TÔN VINH NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ “GIỎI VIỆC NƯỚC – ĐẢM VIỆC NHÀ” NHÂN KỈ NIỆM 111 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ

Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hằng năm. Nhân dịp kỉ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cơ  sở tại các tỉnh thành đã tổ chức nhiều hoạt động để hướng ứng và khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Quay lại lịch sử, ngày 08/3 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của những nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Vào ngày 08/3/1857, trước điều kiện làm việc ngày càng tệ và nguy hiểm – các công nhân ngành dệt đã đứng lên để đòi quyền lợi tại thành phố New York. Qua nhiều năm đấu tranh đến năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng tương tự như ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương và trân trọng phái đẹp. Bởi trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội.

Phụ nữ Việt Nam “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong ngàn năm lịch sử ấy, người phụ nữ luôn để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc. Bất kỳ thời đại nào đều có những phụ nữ xuất chúng và có công lao với đất nước. Điển hình ngày 08/3 là ngày kỉ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn và tôn vinh người phụ nữ về những thiên chức cao quý của họ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ra đời từ năm 1930. Trải qua 91 năm xây dựng và trưởng thành, Hội LHPN Việt Nam đang từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức mình trong xã hội. Ngược dòng lịch sử, chúng ta không khỏi tự hào, xúc động khi phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, công việc đồng áng với nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp, phụ nữ đã sớm trở thành lao động chính. Bên cạnh đó, trước và sau khi Hội LHPN được thành lập, nước ta luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống  người dân cực kỳ nghèo khổ. Thời nào cũng vậy, người phụ nữ Việt Nam luôn mang trong mình bản sắc, phong cách riêng. Họ là những chiến sĩ chống xâm lược kiên cường, dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu, chịu thương, chịu khó và đã sinh ra nhiều thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng. Không ai có thể phủ nhận vai trò, trách nhiệm to lớn của người phụ nữ hiện đại. Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước. Hiện nay, ở nước ta, phụ nữ chiếm 51% lao động xã hội và đóng vai trò chính trong gia đình, nuôi dạy con cái. Trong 449 đại biểu Quốc hội khóa XV, thì đại biểu nữ chiếm 29% và Liên hiệp quốc đánh giá “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ  25,96% so với tổng số người có các bằng cấp tương tự.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tại các tỉnh thành đã tổ chức nhiều hoạt động để hướng ứng ngày Quốc tế Phụ nữ như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập,  lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”. Hội còn quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về giáo dục đời sống gia đình cho phụ nữ và người dân trong trong cộng đồng thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt các chi hội, các tổ phụ nữ; tổ chức tọa đàm, gặp mặt, hội thi, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn để bồi dưỡng  kiến thức về  công tác gia đình cho đội ngũ báo cáo viên ở  cấp huyện và cơ sở. Ngoài ra, hội phụ nữ  các cơ sở còn thành lập, nhân rộng mô hình các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Không sinh con thứ ba”, “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng”, “Gia đình không bạo lực”… ; giáo dục cộng đồng nâng cao kiến thức về pháp luật, chính sách về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện tốt công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình…

Phụ nữ ngành Y tế tỉnh Phú Thọ góp phần thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch COVID – 19 vừa tham gia phát triển kinh tế -xã hội

Đại dịch đã tạo thêm những rào cản mới, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng về kinh tế – xã hội. Dù vẫn được gọi “là phái yếu” song phụ nữ vừa đóng vai trò lao động sản xuất trong xã hội, lại thường là người đảm đương công việc chăm sóc gia đình. Như bao cuộc chiến trong lịch sử đấu tranh vệ quốc oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, toàn dân cùng một ý chí, đoàn kết một lòng coi “Chống dịch như chống giặc”. Ngành Y với đội ngũ các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đang giữ vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ tính mạng cho đồng bào. Đặc biệt là những nữ chiến sỹ áo trắng đã phải thực hiện cùng một lúc đồng bộ nhiều nhiệm vụ, vừa phải đảm đương công việc xã hội, vừa phải chăm lo cho gia đình. Trên mọi lĩnh vực, chị em đã ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi y đức để hoàn thành tốt công việc, góp phần tạo nên những thành quả đáng tự hào trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. 

Các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế gác lại cuộc sống thường nhật. Họ phải tạm rời xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu với đại dịch, nhiều y bác sĩ không thể có một “nụ hôn” với đứa con thơ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già đang mang trọng bệnh. Tất cả vì cuộc chiến với đại dịch vì sự an toàn tính mạng cho hơn 90 triệu người dân. Nhiều bài thơ, ca khúc, bức thư, … đã viết lên những hoàn cảnh đầy cảm xúc đó, khiến bao người rơi lệ,… Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những “nữ chiến sĩ mặc áo trắng” ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của người bệnh, cũng như đảm đương và làm tròn trọng trách của người vợ, người mẹ… Với tinh thần trách nhiệm cao cả, các bác sỹ đều hết lòng chăm sóc, phục vụ, chữa trị, đặt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người lên trên hết.

Khẳng định đóng góp to lớn của người phụ nữ trong sự nghiệp phát triển đất nước

Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ xứng đáng là những con người được Bác  Hồ tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam do phụ nữ, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm đẹp, rực rỡ”. Chỉ có người phụ nữ mới có được danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”: ở cơ quan, họ là những cán bộ, công chức luôn vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;  trong gia đình, họ là người vợ, là người mẹ đảm đang.

Để hưởng ứng kỉ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Công đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức “Tuần lễ áo dài” và tổ chức tọa đàm, tặng hoa, quà cho tất cả các cán bộ nữ của đơn vị. Hy vọng rằng các cán bộ nữ hãy giữ vững tinh thần thép, cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch và hoàn thiện mục tiêu kép để xứng danh “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

08032022 ton vinh 01

Cán bộ BVĐKPT hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” nhân kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ

08032022 ton vinh 02

Các khoa, phòng BVĐKPT tổ chức tọa đàm nhân kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ

 

Hồng Nhung

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện