Người bệnh nam 49 tuổi, vào khoa Nội tiết – Đái tháo đường với chẩn đoán u thượng thận trái phát hiện tình cờ kích thước 87×67 mm. Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán Ung thư phổi phải di căn tuyến thượng thận. Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, chúng ta hãy tìm hiểu những thông tin dưới đây để có cách phòng và điều trị đúng cách bệnh.
1. Đại cương
– Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cực trên của hai quả thận, có chức năng tiết ra các hormon điều hoà cân bằng nước- điện giải, điều hoà huyết áp, chống stress,…
– U thượng thận phát hiện tình cờ là những khối u tuyến thượng thận được phát hiện trong quá trình thăm dò chụp chiếu ổ bụng. Theo định nghĩa trên, các bệnh nhân này không có triệu chứng và không có dấu hiệu của bệnh lý tuyến thượng thận.
– Tỷ lệ u thượng thận phát hiện tình cờ trên CT scan trong dân số chung là ~3% và tăng dần theo tuổi. Tỷ lệ này ngày càng tăng do việc sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có độ phân giải cao ngày càng phổ biến hơn.
– Khi đánh giá một khối u này, những vấn đề chính cần quan tâm là:
+ Đây là khối u lành tính hay ác tính ?
+ Khối u có tiết hay không tiết hormon ?
2. Các nguyên nhân thường gặp của u thượng thận
– Lành tính:
+ Không tiết hormon: Adenoma không tiết; U mỡ; Nang; U hạch thần kinh; Khối máu tụ; Nhiễm khuẩn ( lao, nấm).
+ Tiết hormon: Pheochromocytoma; Adenoma tiết aldosterone; HC Cushing dưới lâm sàng.
– Ác tính: carcinoma vỏ thượng thận; Ung thư di căn; U lympho; …
3. Biểu hiện
– Mặc dù theo định nghĩa những người bệnh có u thượng thận phát hiện tình cờ không có các triệu chứng lâm sàng của tăng tiết quá mức hormon, nhưng cần phải hỏi toàn bộ bệnh sử và thăm khám để phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn chức năng hormon.
– Lưu ý các triệu chứng của hội chứng Cushing ( tăng cân, mặt tròn như mặt trăng, da mỏng, dễ bấm tím hoặc yếu cơ gốc chi); pheochromocytoma ( tăng huyết áp, vã mồ hôi, cơn đau kịch phát, hồi hộp trống ngực); adenoma tiết aldosterone ( tăng huyết áp, hạ kali máu) và các triệu chứng ác tính ( sút cân, các dấu hiệu của u nguyên phát ngoài thượng thận).
4. Các xét nghiệm
– Xét nghiệm: Các xét nghiệm sinh hoá đánh giá các hormon mà tuyến thượng thận có thể tiết ra bao gồm kali máu, aldorterone/renin huyết tương, catecholamin, cortisol máu, test ức chế Dexamethasone. Nếu các xét nghiệm dương tính cần làm thêm các đánh giá tiếp theo.
– Chẩn đoán hình ảnh: Khả năng ác tính của khối u tuyến thượng thận có tương quan trực tiếp đến kích thước khối u. CT scan/ MRI có thể hữu ích trong việc xác định khối u là lành tính hay ác tính.
– Sinh thiết hoặc chọc hút kim nhỏ có thể cần thiết ở một số trường hợp ngoại lệ giúp phân biệt ung thư là nguyên phát hay di căn đến tuyến thượng thận.
5. Điều trị
– Chỉ định phẫu thuật khi:
+ Các u thượng thận có kích thước > 4cm.
+ Kích thước u tăng nhanh chóng ( >1cm)nghi ác tính.
+ Các khối u có bất thường về nội tiết tố tuyến thượng thận.
– Chuẩn bị trước phẫu thuật của các bệnh nhân này là quan trọng và hầu hết các trường hợp có thể được tiến hành bằng phẫu thuật nội soi.
– Theo dõi định kì nếu thăm khám, các xét nghiệm sinh hoá và chẩn đoán hình ảnh không gợi ý đến carcinoma thượng thận tiên phát hoặc adenoma tăng tiết. Theo dõi định kỳ bằng chụp lại phim và các xét nghiệm sinh hoá được tiến hành sau 3 tháng và định kỳ hàng năm để phát hiện sự tiến triển của các triệu chứng rõ rệt của u tăng tiết hoặc ác tính.
Bạn không nên chủ quan với căn bệnh u tuyến thượng thận, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh u tuyến thượng thận hoặc vô tình phát hiện u thượng thận, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Bạn có thể đến với các bác sĩ tại phòng khám Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường
Nguồn tham khảo: Adrenal Adenoma
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ