Hình ảnh mô tả các tuyến nước bọt trên cơ thể
-
Tổng quan về U tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt bao gồm các tuyến chính là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Ngoài ra còn có các tuyến nước bọt phụ nằm rải rác trong niêm mạc miệng và niêm mạc vòm khẩu cái.
U tuyến nước bọt tương đối ít gặp, chiếm khoảng 2% các loại u ở người. Tỉ lệ nam nữ mắc bệnh như nhau và xảy ra ở người lớn nhiều hơn trẻ em.
- U thường xuất hiện ở tuyến mang tai, chiếm 65-80% trường hợp, trong đó có khoảng 15% là ác tính
- Tuyến dưới hàm chiếm 10% các trường hợp, trong đó có 40% là ác tính
- Còn lại xuất hiện ở tuyến nước bọt dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ nhưng tỉ lệ ác tính khoảng 80%.
Có rất nhiều biện pháp để chẩn đoán u tuyến nước bọt như: khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết. Trong đó, phương pháp tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ (FNA tuyến nước bọt) được đánh giá là phương pháp hiệu quả ngay cả trong giai đoạn sớm.
2. Nguyên nhân bệnh U tuyến nước bọt
Các khối u tuyến nước bọt là rất hiếm, chiếm ít hơn 10 phần trăm của tất cả các khối u đầu và cổ. Không rõ nguyên nhân gây ra khối u tuyến nước bọt.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư tuyến nước bọt xảy ra khi một số tế bào trong tuyến nước bọt phát triển đột biến trong DNA của chúng. Các đột biến cho phép các tế bào phát triển và phân chia nhanh chóng. Các tế bào bị đột biến tiếp tục sống khi các tế bào khác sẽ chết. Các tế bào tích lũy tạo thành một khối u có thể xâm lấn mô gần đó. Các tế bào ung thư có thể vỡ ra và lan rộng (di căn) đến các khu vực xa của cơ thể.
3. Tầm soát bệnh U tuyến nước bọt bằng Kỹ thuật chọc hút tế bào tuyến nước bọt bằng kim nhỏ (FNA- Fine Needle Aspiration)
FNA tuyến nước bọt là một thủ thuật sử dụng kim cỡ nhỏ xuyên qua da để thu thập một lượng tế bào của các tổn thương ở tuyến nước bọt, nhằm xác định bản chất tổn thương trước khi bác sĩ lâm sàng quyết định kế hoạch điều trị của bệnh nhân.
- Chỉ định: Bất kỳ tổn thương có thể sờ được của tuyến nước bọt hoặc FNA dưới hướng dẫn siêu âm đối với các tổn thương không sờ thấy.
- Chống chỉ định: bệnh nhân rối loạn đông máu
*) Cách đọc kết quả FNA của u tuyến nước bọt:
Độ nhạy và độ đặc hiệu của FNA tuyến nước bọt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật lấy mẫu, chất lượng tiêu bản, kinh nghiệm của bác sĩ giải phẫu bệnh…
Kết quả tế bào học tuyến nước bọt theo hệ thống Milan gồm 6 nhóm chẩn đoán:
- Nhóm I: Không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán
- Nhóm II: Không tân sinh
Bao gồm các chẩn đoán viêm cấp, viêm mạn
- Nhóm III: Không điển hình ý nghĩa không xác định
- Nhóm IV: Tân sinh, bao gồm
– Nhóm IVa: lành tính, hay gặp như u đa hình, u warthin,…
– Nhóm IVb: tân sinh tuyến nước bọt khả năng ác tính không chắc chắn.
- Nhóm V: Nghi ngờ ác tính
- Nhóm VI: Ác tính.
Nguy cơ ác tính (ROM) theo hệ thống Milan
FNA tuyến nước bọt là một phương tiện cận lâm sàng thực hiện nhanh, chính xác, có giá trị chẩn đoán cao, ít tốn kém với tỷ lệ biến chứng thấp. Kỹ thuật này đã giúp chọn lọc đúng các trường hợp cần phẫu thuật, giảm hơn phân nửa số trường hợp phải mổ, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả điều trị và giảm chi phí đáng kể cho người bệnh.
Khoa Giải phẫu bệnh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là một địa chỉ thăm khám y tế uy tín và chuyên nghiệp hàng đầu trong 6 tỉnh miền núi phía Bắc với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao cùng các trang thiết bị máy móc hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu thăm khám và điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau.
Bs. Bùi Thị Hương – Khoa giải phẫu bệnh, tầng 10 nhà C, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.