Viêm bàng quang: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa

Bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang là gì?

–  Viêm bàng quang là nhiễm trùng đường tiết niệu thấp, giới hạn ở bàng quang, thường gây đau và khó chịu, nhưng nếu lan lên thận thì có thể gây những hiệu quả nghiêm trọng.

– Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ viêm bàng quang cao nhất.Có tới một nửa số phụ nữ bị viêm bàng quang cấp ít nhất một lần trong đời.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang

– Nguyên nhân gây viêm bàng quang thường gặp là do vi khuẩn, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác không do vi khuẩn.

+ Nguyên nhân do vi khuẩn: Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang thường theo con đường ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang, quá trình viêm thường là viêm cấp tính, nếu viêm mạn tính thì thường kèm theo viêm thận – bể thận mạn do vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên bể thận gây viêm. Niệu đạo nằm trong vùng tầng sinh môn gần với hậu môn, nên các vi khuẩn đường ruột thường xâm nhập vào niệu đạo rồi vào bàng quang.

Bệnh có thể gặp ở cả hai giới nhưng phụ nữ thường gặp hơn do đặc điểm niệu đạo ở nữ ngắn và thẳng hơn nam, gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng hay gặp ở trẻ em và người cao tuổi hơn thanh niên do vệ sinh vùng tầng sinh môn kém, nam giới cao tuổi thường có tuyến tiền liệt to gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, phụ nữ sau mãn kinh âm hộ âm đạo thường khô và niêm mạc mỏng dễ bị viêm.

Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, nhân lên và phát triển gây viêm. Niêm mạc bàng quang xung huyết, phù nề, trợt loét, có thể chảy máu. Viêm gây kích thích làm bệnh nhân mót tiểu nhiều lần gây ra tiểu buốt, tiểu rắt.

Những điều kiện thuận lợi gây viêm bàng quang: nữ giới, trẻ em và người cao tuổi, sau sinh hoạt tình dục, những người có bất thường niệu đạo hoặc chấn thương niệu đạo, sỏi bàng quang, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, các thủ thuật thông bàng quang, soi bàng quang, đặc biệt phải lưu ống thông bàng quang lâu, các bệnh nhân bị đái tháo đường.

+Nguyên nhân không do vi khuẩn( hiếm gặp) :thuốc, hóa chất, tia xạ.

Dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang
Dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang

Dấu hiệu nhận biết bệnh

+Lâm sàng gồm: Tiểu buốt, tiểu rắt,đau tức hạ vị, tiểu ra máu, ra mủ…

+Cận lâm sàng:

Xét nghiệm nước tiểu thấy bạch cầu, hồng cầu niệu

Cấy vi khuẩn nước tiểu: vi khuẩn niệu > 10^5 vi khuẩn/ml nước tiểu

Siêu âm bàng quang thấy niêm mạc bàng quang dày

Soi bàng quang thấy niêm mạc bàng quang xung huyết, phù nề, có thể chảy máu

Phương pháp điều trị bệnh viêm bàng quang

Phương pháp điều trị bệnh viêm bàng quang sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

  • Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn

Kháng sinh thường sẽ là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ khi điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn. Các loại thuốc được chỉ định để điều trị bệnh phần lớn là amoxicillin, nitrofurantoin, ciprofloxacin, sulfamethoxazole, trimethoprim. 

Nhiễm khuẩn lần đầu: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh trong 3 ngày.

Nhiễm khuẩn tái phát:  Sau khi điều trị đợt cấp viêm bàng quang, bệnh nhân có thể phải dùng kháng sinh dự phòng sau khi giao hợp hoặc sử dụng kháng sinh liều thấp trong khoảng 3 đến 4 tuần.

Viêm bàng quang mắc phải ở bệnh viện: Đây là trường hợp tương đối phức tạp do những vi khuẩn kháng thuốc.

Phụ nữ mãn kinh có thể cần phải sử dụng thêm các loại thuốc estrogen dạng kem.

  • Điều trị viêm bàng quang do nguyên nhân khác 

Viêm bàng quang do hóa chất: Bệnh nhân tránh tiếp xúc với những hóa chất gây viêm bàng quang để giảm những triệu chứng bệnh và ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát.

Viêm bàng quang do xạ trị hay do thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để giảm bớt những triệu chứng hay uống nhiều nước hơn nhằm đào thải những chất gây kích thích bàng quang.

viem bang quang 2

Làm sao để phòng ngừa bệnh viêm bàng quang?

– Cách phòng ngừa : Gồm các bước làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là đối với phụ nữ:

+ Uống nhiều nước mỗi ngày.

+ Không nhịn tiểu mỗi khi buồn tiểu.

+ Mỗi khi tiểu tiện hay đại tiện cần lau từ trước ra sau tránh sự lan vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo và niệu đạo.

+ Đi tiểu và vệ sinh vùng sinh dục sau khi có quan hệ tình dục 30 phút.

+ Tránh kích thích niêm mạc đường sinh dục như dùng các loại sản phẩm xịt thơm,vòi xịt….

Trung tâm Thận lọc máu – Niềm tin – chất lượng

                                                                       

 

 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện