Gãy xương đòn – 7 điều cần biết

Gãy xương đòn (gãy xương quai xanh) là một trong những chấn thương thường gặp nhất ở vùng vai. Nguyên nhân chủ yếu do té ngã, tai nạn giao thông. Gãy xương đòn nếu được điều trị sớm và đúng cách có thể lành rất nhanh và không để lại biến chứng. Điều trị gãy xương đòn có 2 phương pháp chính đó là điều trị bảo tồn và phẫu thuật

1. Xương đòn là xương gì? Ở vị trí nào?

  • Xương đòn (xương quai xanh) là một xương rất rắn chắc, có hình chữ S nhẹ và có thể dễ dàng nhìn thấy ở nhiều người. 
  • Xương đòn có vai trò như một thanh chống để nối xương ức với xương bả vai. Do có vị trí quan trọng nên bất kỳ lực mạnh nào tác động lên vai, như ngã trực tiếp lên vai hoặc ngã trên cánh tay dang ra, đều truyền lực đến xương đòn. Do đó, xương đòn là một trong những xương dễ bị gãy nhất trên cơ thể.

a1 3

Hình ảnh gãy xương đòn

2. Làm thế nào để bạn biết nếu bạn bị gãy xương đòn?

  • Khi xương gãy, có hiện tượng sưng nề do chảy máu từ các mạch máu trong và xung quanh xương. Ngoài ra còn có cảm giác đau do xương gãy do tổn thương các đầu dây thần kinh cực nhỏ xung quanh xương. Đôi khi xương bị gãy có thể tạo ra một góc giữa các đầu gãy, gây biến dạng xương. Thông thường khi bị gãy xương đòn, tình trạng đau và sưng rất nghiêm trọng và sự biến dạng có thể nhìn thấy được. Chụp X-quang là cách duy nhất để xác minh xem có bị gãy xương hay không.

a2 3

Hiện tượng sưng nề khi gãy xương đòn

3. Nên làm gì nếu bạn nghĩ rằng xương đòn của mình bị gãy?

  • Nếu bạn nghĩ rằng xương đòn bị gãy, tốt nhất bạn nên đi khám và điều trị ngay. Cách tốt nhất để điều trị vết thương cho đến khi bạn có thể đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở cấp cứu là cố định cánh tay và vai bằng cách giữ cánh tay gần cơ thể bằng tay kia hoặc có dây (túi) treo tay. Nếu có vết rách, chảy máu trên da vùng xương đòn gãy, điều này cho thấy các đầu xương có thể đã chọc thủng da (Gãy hở). Nếu vết thương ở gần xương ức và bạn bị khó thở hoặc khó nuốt, nguy cơ xương đòn gãy chọc vào phổi,màng phổi. Các dấu hiệu khác của chấn thương nặng hơn bao gồm ngứa ran, tê hoặc yếu ở bàn tay hoặc cánh tay. 

4. Điều trị gãy xương đòn như thế nào?

  • Việc đầu tiên thầy thuốc sẽ tiến hành chụp X-quang để xác định xem xương đòn có bị gãy hay không, vị trí gãy ở đâu và gãy thành bao nhiêu mảnh. 
  • Cách phổ biến nhất để điều trị gãy xương ở giữa là bất động bằng đai hoặc băng đặc biệt gọi là đai số 8. 

Ưu điểm : không phải trải qua cuộc phẫu thuật, có thể ra viện sớm, không để lại sẹo

Nhược điểm: đau vai kéo dài, mặc không thoải mái, khó mặc liên tục trong 4-6 tuần và có thể gây ra các vấn đề về da và bệnh nhân nặng mùi vì không được tháo ra để rửa nách. 

  • Khi xương đòn gãy di lệch nhiều, có mảnh rời, có nguy cơ gây tổn thương do mảnh gãy chọc vào tổ chức, việc phẫu thuật kết hợp xương đòn được đặt ra. 

Ưu điểm của kết hợp xương đòn: Kiểm tra trực tiếp các tổn thương mạch máu thần kinh nếu có. Chỉnh hình ổ gãy vững và hiệu quả.

Nhược điểm: Để lại sẹo. Có thể mắc các biến chứng của cuộc phẫu thuật.

  • Tại khoa Chấn thương 2 – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã hoàn thiện các kỹ thuật để điều trị gãy xương đòn, bao gồm: 

Các loại dụng cụ hỗ trợ điều trị bảo tồn: đai số 8, túi treo tay,… 

Nẹp, vít, các dụng cụ phẫu thuật tiên tiến nhất và đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm chuyên ngành chấn thương chỉnh hình

a4

Bệnh nhân gãy xương đòn điều trị bất động bằng đai số 8

a5

Hình ảnh bệnh nhân sau khi được phẫu thuật kết hợp xương đòn

5. Thời gian chữa lành gãy xương đòn mất bao lâu?

  • Mất bao lâu để chữa lành vết gãy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tuổi tác, vị trí của vết gãy và số lượng mảnh gãy. Gãy xương đòn ở trẻ em (dưới 8 tuổi) có thể lành sau bốn hoặc năm tuần, và gãy xương đòn ở thanh thiếu niên có thể mất sáu đến tám tuần. Ở người lớn hoặc thanh thiếu niên đã ngừng phát triển mất 10 đến 12 tuần để chữa lành và có thể lâu hơn. Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn sẽ lành hoàn toàn sau 4 tháng ở người lớn. Gãy xương đòn nhiều mảnh sẽ mất nhiều thời gian hơn so với gãy ít mảnh.

6. Có thể làm gì trong khi chờ vết gãy xương đòn lành lại?

  • Vài ngày sau khi gãy xương đòn, bạn sẽ có thể cử động ngón tay, cổ tay và khuỷu tay mà không quá khó chịu. Khi cơn đau ở vùng xương đòn được cải thiện, bạn có thể bắt đầu cử động khớp vai một chút. Nếu khớp vai bị cứng, đó là một tình trạng được gọi là vai bị đông cứng. Thông thường khi cơn đau ở chỗ gãy xương bắt đầu giảm bớt, bạn có thể bắt đầu cử động vai. Bác sĩ có thể chỉ cho bạn cách tập vận động hoặc chuyển đến đến chuyên khoa vật lý trị liệu để được hướng dẫn. 
  • Khi vết gãy đã lành, hầu như không bị hạn chế cử động. Có thể mất vài tháng trước khi vết gãy đủ lành để có thể chịu được các va chạm mạnh như trong thể thao. Tăng cường sức mạnh của vai và cánh tay nên đợi cho đến khi vết gãy đã lành. Các bài tập nặng không nên được thực hiện cho đến khi có sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, những người muốn giữ thói quen tập thể thao thường có thể bắt đầu tập thể dục nhẹ như đi bộ hoặc đạp xe tập thể dục sau một vài tuần, với sự cho phép của bác sĩ.

7. Kết quả nào có thể mong đợi sau khi vết gãy xương đòn lành lại?

  • Thông thường, không có hạn chế vận động nào sau khi vết gãy lành. Hầu hết bệnh nhân có đầy đủ các chuyển động và có thể trở lại các hoạt động bình thường. Một số trường hợp gãy xương có thể mất từ ​​sáu đến chín tháng để chữa lành. Nếu vết gãy không lành, có thể cần phải phẫu thuật chỉnh ổ gãy.

Bs. Nguyễn Tuấn Anh – Khoa Chấn thương II

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật