Tăng huyết áp – 5 điều cần biết

Tăng huyết áp hay cao huyết áp là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê trên thế giới hiện nay có đến 1,13 tỷ người huyết áp cao, dự đoán con số này sẽ lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025. Bệnh thường diễn tiến âm thầm nhưng gây ra những biến chứng nguy hiểm, được coi là kẻ giết người thầm lặng.

Tăng huyết áp - 5 điều cần biết
Tăng huyết áp – 5 điều cần biết

Nguyên nhân gây tăng huyết áp 

Được chia thành hai nhóm

  • Tăng huyết áp vô căn: Không xác định được nguyên nhân
  • Tăng huyết áp thứ phát: Có thể gồm các nguyên nhân:

+ Người mắc các bệnh lý về thận: Sỏi thận, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hẹp động mạch thận

+ Người mắc các bệnh nội tiết: Cường giáp, U tủy thượng thận, cường Aldosterone,…

+ Người mắc các bệnh lý tim mạch: hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp xơ vữa động mạch gây ảnh hưởng đến động mạch thận

+ Người đang dùng thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm

+ 1 số nguyên nhân khác: rối loạn thần kinh, ngộ độc thai nghén

Triệu chứng thường gặp khi người bệnh tăng huyết áp

Người bệnh hay có biểu hiện như: Nhức, nặng đầu, mỏi gáy, chóng mặt, mặt nóng phừng…

Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không nhận thấy dấu hiệu gì, chỉ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe tổng quát hay tình cờ đo huyết áp hoặc khi đã có biến chứng như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mạn giai đoạn cuối  

Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp

Đo huyết áp là cách duy nhất để chẩn đoán tăng huyết áp. Gồm 3 cách đo huyết áp để chẩn đoán bệnh:

  • Đo huyết áp tại phòng khám: HA ≥ 140/90 mmHg
  • Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg
  • Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (đeo Holter huyết áp): HA ≥ 130/80 mmHg

Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Bệnh lý tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

  • Biến chứng ở tim: suy tim, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim …
  • Biến chứng ở não: xuất huyết não, suy giảm trí nhớ, nhồi máu não…
  • Biến đổi mạch máu ở đáy mắt do tăng huyết áp, có thể gây phù nề mạch máu võng mạc, xuất huyết, nghiêm trọng hơn có thể gây mù
  • Biến chứng ở thận: suy thận ở nhiều giai đoạn khác nhau, nặng nhất là dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (ghép thận hoặc chạy thận định kỳ)
  • Bệnh động mạch ngoại biên hai chân: do xơ vữa mạch máu làm hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân, gây đau chân khi đi lại, nặng hơn có thể loét, hoại tử phải cắt chi gây tàn phế
  • Rối loạn cương dương: thường gặp, đặc biệt nếu người bệnh có kèm đái tháo đường, hút thuốc lá.

Cách để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp người dân nên có lối sống lành mạnh cho sức khỏe từ sớm. 

  • Chế độ ăn: ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn cá, thịt gia cầm loại bỏ da, ít chất béo …
  • Giảm lượng muối, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn nhanh
  • Tập thể dục vào hầu hết các ngày trong tuần ít nhất mỗi ngày 30 phút. 
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Tránh khói thuốc, không hút thuốc lá 
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những nguy cơ với sức khỏe có thể điều chỉnh được

Khi phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp người bệnh cần đến bệnh viện khám để phát hiện nguyên nhân và có biện pháp điều trị sớm, hiệu quả.

Bài viết tham khảo :

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ

Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tel: 1800.888.989

Nguồn tham khảo: Hypertension

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật