Nguy hiểm thầm lặng đến từ bệnh Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh nguy hiểm, được coi là sát thủ vô hình” vì diễn biến âm thầm, tiến triển nặng dần và chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh phổ biến, có thể dự phòng và điều trị được, đặc trưng bởi sự tồn tại dai dẳng của những triệu chứng hô hấp và giới hạn dòng khí, do các bất thường của đường dẫn khí hoặc ở phế nang. Bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm đáng kể với các phần tử hay các loại khí độc hại. COPD có xu hướng tăng lên và đang là một thách thức lớn với y học toàn cầu vì tính chất phổ biến, tiến triển kéo dài, chi phí điều trị cao và gây hậu quả tàn phế.

Không phải tự nhiên mà người ta gọi COPD là kẻ giết người thầm lặng. Những con số thống kê về COPD chắc chắn sẽ khiến chúng ta rùng mình. Mỗi năm, toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc COPD, chiếm 5% dân số. Năm 1998, thế giới có 2,9 triệu người tử vong vì COPD, chiếm 5,5% tổng số ca tử vong trên thế giới. Năm 2004, con số này là 2,66 triệu người, chiếm 4,8%. COPD là nguyên nhân tử vong thứ 4, chỉ sau ung thư, bệnh tim mạch và mạch máu não. Theo dự đoán đến năm 2020, nó sẽ nhanh chóng vượt qua ung thư để đứng ở vị trí số 3. Việt Nam đang nằm trong TOP những nước có tỷ lệ bị COPD cao nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với tỉ lệ là 4,2% dân số mắc bệnh năm 2009.

09072019copd1

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Ảnh(Nguồn Internet)

Bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh kể cả trẻ em hay người lớn, đặc biệt hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Những nguyên nhân tiềm ẩn gây phổi tắc nghẽn mãn tính có thể kể đến như:

– Hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói thuốc lâu dài gây nguy cơ cao, 80-90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

– Khói hóa chất, bụi bặm.

– Ô nhiễm môi trường ngoài trời.

– Ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu…

– Bụi nghề nghiệp, hóa chất.

– Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên như bệnh viêm phổi, viêm phế quản…

Phổi tắc nghẽn mãn tính thường có triệu chứng: ho khạc đờm, khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian.Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như: viêm họng mãn, viêm phổi…, người bệnh chủ quan và không có định hướng khám và điều trị đúng.

Phòng khám 417 – Khoa Khám Bệnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận khoảng vài chục bệnh nhân COPD đến khám mỗi ngày và hiện tại phòng khám cũng đang quản lý khoảng 470 người bệnh COPD đến khám định kỳ hàng tháng. Người bệnh đến khám sẽ được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp x quang tim phổi, siêu âm và đo chức năng hô hấp để nhận định được mức độ tắc nghẽn và giai đoạn của bệnh. Từ đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, hướng dẫn cách sử dụng thuốc, chế độ sinh hoạt hợp lý và đưa ra các bài tập phục hồi chức năng cho cơ hô hấp.

09072019COPD2

Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo khám cho người bệnh tại Phòng khám 417

09072019COPD3

Và hướng dẫn cách sử dụng thuốc xịt, hít

COPD là một bệnh mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, kiểm soát được bệnh ở giai đoạn ổn định, ngăn ngừa và điều trị biến chứng.

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh nói trên, để đo khám và định hướng điều trị đúng đắn. Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm nhất. Bỏ thuốc lá, thuốc lào, tránh hít phải khói thuốc , giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí độc hại. Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính nặng, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được giải quyết kịp thời.

 

Thanh Nga

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật