Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường hơn 10 năm nay đang duy trì thuốc uống hàng ngày. Năm 2014 và 2019 người bệnh bị đột quỵ não, di chứng yếu nửa người trái nên đã được gia đình mua thuốc An cung cho uống thường xuyên.
Trước khi vào viện 4 ngày, người bệnh xuất hiện đau bụng, chướng bụng, bí tiểu đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới 3 ngày, sau đó được chuyển lên Bệnh viên đa khoa tỉnh Phú Thọ. Người bệnh vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong tình trạng ý thức lơ mơ, suy hô hấp, huyết áp tụt, da niêm mạc nhợt, đau khắp bụng, đi ngoài phân máu đỏ tươi số lượng nhiều.
Xét nghiệm của người bệnh có tình trạng thiếu máu, (hồng cầu 1,69 T/L, hemoglobin 47 g/L) rối loạn đông máu rất nặng thiếu toàn bộ các yếu tố đông máu nội sinh (các yếu tố đông máu II,V,VII,X giảm rất nặng); chụp MRI sọ não xuất hiện nhiều ổ nhồi máu não mới bán cầu não hai bên; nội soi dạ dày có hình ảnh viêm dạ dày.
Ngay lập tức người bệnh được điều trị hồi sức tích cực, kiểm soát hô hấp bằng đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức huyết động, truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh, CryO, vitamin K1 liều cao.
Sau điều trị 7 ngày tích cực người bệnh hiện tại tỉnh táo, hết rối loạn đông máu, hết chảy máu, tự thở qua tốt qua Canuyn khí quản, đã được chuyển tuyến dưới theo dõi điều trị tiếp.
Theo Ts.Bs. Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc: Hiện nay có nhiều thông tin truyền miệng về tác dụng của An cung giúp phòng đột quỵ. Do đó rất nhiều người dân lạm dụng thuốc An cung với mong muốn phòng đột quỵ mà không theo hướng dẫn của bác sĩ. Cũng theo bác sĩ Mai chia sẻ, hiện nay không có bất cứ khuyến cáo nào của Bộ Y tế về sử dụng An cung trong việc dự phòng đột quỵ não.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Để dự phòng đột quỵ não tốt nhất là kiểm soát huyết áp, mỡ máu, sử dụng thuốc chống đông dưới sự hướng dẫn và thăm khám định kì của bác sĩ. Nếu xuất hiện triệu chứng của đột quỵ não như nói khó, yếu liệt vận động thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.