Bệnh dại – Triệu chứng, cách phòng ngừa

Cách phòng chống bệnh dại
Cách phòng chống bệnh dại

 

Bệnh dại là một bệnh gây tử vong do virus dại nhưng có thể phòng ngừa được. Virus dại lây sang người và vật nuôi qua vết cắn hoặc vết xước da có tiếp xúc với nước bọt của động vật bị dại. Người bị bệnh dại khi đã lên cơn dại tỉ lệ tử vong 100% , do đó việc tiêm vacxin phòng dại là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Triệu chứng học lâm sàng của bệnh dại

Triệu chứng của bệnh dại
Triệu chứng của bệnh dại

 

Từ 10 ngày đến trên 1 năm. Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài phụ thuộc vào vị trí và tình trạng vết cắn.

Tiền triệu: Lo lắng, thay đổi tính tình, có cảm giác ngứa, đau ở nơi bị cắn.

Thời kỳ toàn phát: Bệnh nhân ở trạng thái kích thích vận động là chủ yếu, với biểu hiện: Co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh khí quản gây triệu chứng sợ nước. Khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích dù rất nhỏ vào các giác quan như: luồng gió nhẹ (sợ gió), mùi vị, ánh sáng.v.v.. Nét mặt luôn căng thẳng, hoảng hốt, mắt sáng và đỏ, tai thính, có thể có tình trạng kích thích sinh dục (dấu hiệu cánh buồm, xuất tinh tự nhiên).Rối loạn thần kinh thực vật với biểu hiện: sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi (khạc nhổ, sùi bọt mép), rối loạn tim mạch và hô hấp.

Các triệu chứng nặng dần lên và tử vong trung bình sau 3 đến 5 ngày do ngừng hô hấp và ngừng tim.

Phòng bệnh dại

Tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi
Tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi

Kiểm soát súc vật nghi dại. Tiêm vacxin phòng dại bắt buộc cho gia súc, đặc biệt là chó, mèo định kì hằng năm.

Tránh tiếp xúc với súc vật không rõ nguồn gốc, không để bị cắn, tiêm phòng vaxcin và huyết thanh kháng dại theo chỉ định ngay khi nghi ngờ, nhốt và theo dõi súc vật nghi dại cắn 10 ngày.

Bệnh dại được coi là bệnh tối nguy hiểm nên khi săn sóc bệnh nhân phải mặc đầy đủ trang bị (mũ, mạng, quần áo, găng tay, ủng), rửa tay xà phòng kỹ sau khi săn sóc rồi sát trùng bằng cồn, Ete.

Tại chỗ vết thương sau khi bị súc vật cắn

Sau khi bị súc vật (chó, mèo…) cắn, cào phải rửa vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng; sau đó rửa lại vết thương bằng nước lọc và lau khô sát trùng vết thương bằng các thuốc sẵn có như: cồn, cồn iôt, Ete… Tránh khâu vết thương sớm trừ vết thương ở mặt. Có thể tiêm phòng uốn ván và cho kháng sinh.

Điều trị huyết thanh kháng dại (serum anti-rabies)

Chỉ dùng cho các trường hợp bị cắn nặng: Như vết cắn rộng, sâu, nhiều vết cắn, bị cắn ở đầu, mặt, cổ, tay bởi một con vật có biểu hiện dại hoặc nghi dại.

Tiêm vacxin phòng bệnh dại

Khi bị liếm, trên da có vết thương, bị cào, cắn bởi súc vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại mà con vật ấy đã bị giết chết hoặc bỏ đi không theo dõi được (mà không có điều kiện xét nghiệm để khẳng định bị dại hay không).

Khi bị súc vật có vẻ khỏe mạnh cắn cần tiêm và phải theo dõi súc vật trong vòng 10 ngày. Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện ốm hoặc thay đổi tính tình cần tiêm đủ phác đồ .Còn nếu vẫn khỏe thì không cần tiêm các mũi sau ngày thứ 10.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ 

Tổng đài chăm sóc khách hàng

Tel: 1800.888.989

Tải về ứng dụng BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn và trao đổi trực tuyến với bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mọi lúc mọi nơi.

Khoa Bệnh nhiệt đớiBVĐK tỉnh Phú Thọ

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện