Bệnh lỵ trực khuẩn

 

Bệnh lỵ trực khuẩn
Bệnh lỵ trực khuẩn

  

1.Tìm hiểu bệnh lỵ trực khuẩn:

Bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella gây ra, chiếm 5% – 15%  tổng số các căn nguyên gây tiêu chảy, là nguyên nhân chính gây tử vong do tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện bệnh bằng hội chứng lỵ: đau quặn bụng, mót rặn, tiêu chảy phân nhầy máu, sốt.

Trường hợp nặng bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng – nhiễm độc, Shock và có thể dẫn tới tử vong.

2.Tác nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn:

a- Đặc điểm vi khuẩn :

Shigella là trực khuẩn Gram âm thuộc họ Enterobacteriaceae. Trực khuẩn Shigella được chia thành 4 nhóm:A, B, C, D. Nhóm A, B hay gặp ở các nước đang phát triển, gây bệnh nặng và hay thành dịch, nhóm C, D gặp ở các nước phát triển và biểu hiện bệnh nhẹ hơn.

b- Độc tố vi khuẩn:

Shigella có 2 độc tố:

* Nội độc tố: Có khả năng gây ra hội chứng Shock trên lâm sàng.

* Ngoại độc tố: Là các độc tố ruột gây bài tiết nước và điện giải vào lòng ruột là cơ chế gây tiêu chảy.

tai

3.Dịch tễ:

Theo thống kê: hàng năm trên thế giới có khoảng 200 triệu ca mắc lỵ trực khuẩn, 650. 000 ca tử vong, 90%  số ca ở các nước đang phát triển, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh lưu hành ở các nước có điều kiện sống thấp, vệ sinh cá nhân và cộng đồng kém ( châu Á , châu Phi).

a- Nguồn bệnh lỵ trực khuẩn:

Người là vật chủ duy nhất, là nguồn gây bệnh trong cộng đồng. Ở giai đoạn cấp người bệnh thải ra 103 – 109  vi khuẩn/ gram phân, thể nhẹ là 103 vi khuẩn/ gram phân.

b- Đường truyền bệnh lỵ trực khuẩn:

Shigella thường lây trực tiếp từ người sang người qua đường phân- miệng trong cùng một gia đình hoặc trong cùng nhà trẻ. Cũng có thể lây trực tiếp trong quan hệ đồng tính nam -> là nguyên nhân tiêu chảy ở người đồng tính nam.

Cũng có thể lây gián tiếp qua trung gian như: đồ dùng, thực phẩm, nước, ruồi nhặng, bồn vệ sinh, ao hồ, bể bơi bị phơi nhiễm phân người bệnh.

Tại Việt Nam bệnh xuất hiện quanh năm ở miền Nam, miền Bắc hay gặp ở mùa hè.

4.Sinh bệnh học:

Shigella có thể gây bệnh ở 25% người khỏe mạnh. Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, Shigella vượt qua hàng rào Acid của dịch dạ dày -> sau khi ủ bệnh 24 -27 giờ, vi khuẩn qua tá tràng xâm nhập vào tế bào niêm mạc đại tràng gây phản ứng viêm cấp tại niêm mạc đại tràng biểu hiện:

Đau bụng và ỉa lỏng.

Giải phẫu bệnh: Đại thể: niêm mạc đại tràng phù nề lan tỏa, xuất tiết, có ổ loét nông chứa hồng cầu, bạch cầu và tế bào niêm mạc tổn thương  -> giai đoạn này người bệnh thải rất nhiều vi khuẩn ra phân.

Vi thể: Lớp dưới niêm mạc có nhiều bạch cầu đa nhân, tế bào nội mạc mạch máu phồng lên, có nhiều bạch cầu đa nhân bám dính.

5.Lâm sàng:

a-Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài  1- 5 ngày,  thường không có biểu hiện lâm sàng.

b-Thời kỳ khởi phát: Kéo dài 1- 3 ngày, hội chứng nhiễm trùng xuất hiện đột ngột: sốt cao, nhiệt độ 39 độ, đau mỏi người, mệt, ăn kém, nôn, đau bụng, ỉa lỏng.

c-Thời kỳ toàn phát: Hội chứng lỵ điển hình: đau quặn bụng từng cơn vùng hạ vị, đau thắt trực tràng  -> cảm giác khó chịu, mót rặn tăng -> buồn đi ỉa liên tục, đi ỉa nhiều lần trong ngày ( có thể 20 lần/ngày). Lượng phân ít, chủ yếu là chất nhầy hoặc nước màu đỏ, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Giai đoạn này nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể suy tuần hoàn  -> tử vong ( thể này thường do nhóm A gây nên).

6.Cận lâm sàng:

* Công thức máu: ít có giá trị chẩn đoán: bạch cầu tăng nhẹ 15. 000/ mm3 chủ yếu là đa nhân trung tính.

* Xét nghiệm phân có giá trị chẩn đoán: Soi tươi thấy hồng cầu và nhiều bạch cầu đa nhân trung tính. Cấy phân có thể thấy được vi khuẩn.

* Soi trực tràng: Hình ảnh viêm lan tỏa niêm mạc cấp tính, có ổ loét xuất tiết.

7.Chẩn đoán bệnh lỵ trực khuẩn:

a- Chẩn đoán xác định: Dựa vào :

– Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.

– Hội chứng lỵ.

– Soi phân: có nhiều hồng cầu, bạch cầu, cấy phân có vi khuẩn gây bệnh.

b- Chẩn đoán phân biệt:

* Lỵ Amip: không sốt, số lần đi ỉa không nhiều, soi phân có Amip.

* Lồng ruột: không sốt, nôn nhiều, chướng bụng, bí đại tiện.

* U đại tràng: Hay gặp ở người già, không sốt, không đau bụng.

* Tiêu chảy do các nguyên nhân khác:…

8.Điều trị:

a- Bù nước điện giải: uống Oresol, nếu không uống được  -> truyền dịch theo điện giải đồ.

b- Kháng sinh: rút ngắn thời gian điều trị và thải trừ vi khuẩn ra phân. Có thể dùng 1 trong kháng sinh sau:

* Ciprofloxacin:

– người lớn: 500mg/lần  x 2 lần / ngày  x 3 ngày.

– trẻ em: 15mg/kg/lần  x 2 lần/ngày x 3 ngày.

* Ceftriaxon tiêm tĩnh mạch:

– người lớn: 2g/ngày  x 2-5 ngày.

– trẻ em: 50- 100mg/kg/ ngày  x 2-5 ngày.

* Azithromycin:

– người lớn dùng liều duy nhất 1g.

– trẻ em: 12 mg/kg/ngày đầu, 6mg/kg/ 4 ngày kế tiếp

c- Điều trị triệu chứng:

– Hạ sốt, ăn lỏng, ít một, nhiều bữa, đủ dinh dưỡng

– Giảm nhu động ruột.

9. Biến chứng bệnh lỵ trực khuẩn:

– Có thể có rối loạn nước điện giải, sốt cao co giật, thủng ruột, sa trực tràng, nhiễm khuẩn huyết và Shock nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài.

10. Phòng bệnh lỵ trực khuẩn:

Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh
Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh

Vệ sinh ăn uống, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay trước khi ăn uống và chế biến thực phẩm. Phát hiện người bệnh để cách ly và điều trị kịp thời.

—–*—–

Trân trọng cảm ơn quý đồng nghiệp, người bệnh, người nhà người bệnh đã đọc bài viết. Chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của quý vị để bài viết được cập nhật và hoàn thiện hơn. Mọi ý kiến đóng góp, tư vấn về bệnh lỵ trực khuẩn xin vui lòng liên hệ số điện thoại Khoa Bệnh Nhiệt Đới – BVĐK Tỉnh Phú Thọ: 0975010566

Việt Trì ngày 16/ 9/ 2022

Người viết bài: BS Lê Quang Thoại

Khoa BNĐ-BVĐK Tỉnh Phú Thọ

 

 

 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật