BIẾN CHỨNG BÀN CHÂN Ở NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG – 5 ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ TRÁNH HẬU QUẢ

1. Biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường là gì?

Biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường gồm một số bệnh lý, chủ yếu là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường và bệnh động mạch ngoại vi dẫn đến loét bàn chân.
Loét bàn chân do đái tháo đường có thể dẫn đến cắt cụt chi (đặc biệt là khi nhiễm trùng vết thương hoặc viêm tủy xương) làm gia tăng tỉ lệ tử vong, giảm chất lượng cuộc sống.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, cứ 19 phút mỗi ngày lại có 1 ca cắt cụt chi. Biến chứng bàn chân ở người ĐÁI THÁO ĐƯỜNG luôn là một thách thức lớn và hao tốn nhiều sức lực. Ở Việt Nam có đến 17% số người bệnh vào viện là do biến chứng bàn chân.

Biến chứng bàn chân rất nguy hiểm, mỗi ngày cứ 19 phút lại có 1 ca cắt cụt chi
 Biến chứng bàn chân rất nguy hiểm, mỗi ngày cứ 19 phút lại có 1 ca cắt cụt chi

2. Nguyên nhân và cơ chế:

Loét bàn chân do đái tháo đường là kết quả của nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân cơ bản chính là bệnh lý thần kinh ngoại vi, nhiễm trùng và thiếu máu cục bộ do bệnh mạch máu ngoại vi.

2.1. Bệnh thần kinh

Bệnh thần kinh ở người bệnh đái tháo đường được biểu hiện ở thần kinh vận động, tự chủ và cảm giác.
• Bệnh thần kinh tự chủ dẫn đến giảm tiết mồ hôi
• Ở thần kinh vận động, gây tổn thương các cơ bên trong của bàn chân. Điều này tạo ra các biến dạng giải phẫu bàn chân. Từ đó, tạo ra các điểm nhô ra và áp lực xương bất thường, dần dần gây ra các vết nứt và loét da.
• Việc mất cảm giác như một phần của bệnh thần kinh ngoại biên gây nghiêm trọng thêm sự phát triển của các vết loét.

2.2. Bệnh mạch máu ngoại vi

Chứng xơ vữa động mạch ở người bệnh đái tháo đường xảy ra sớm và tiến triển rất nhanh. Bệnh mạch máu ngoại vi được thấy ở tất cả các cấp độ của cây động mạch. Ở chi dưới, các vị trí thường gặp xơ vữa là đoạn động mạch chủ và động mạch đùi nông, chi phối động mạch lòng bàn chân.

2.3. Vấn đề nhiễm trùng bàn chân

Nhiễm trùng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường là một tình trạng nguy hiểm. Hậu quả của nhiễm trùng sâu ở bàn chân là rất nguy hại, hơn những nơi khác. Chủ yếu là do một số đặc thù giải phẫu. Sự kết hợp của bệnh thần kinh, thiếu máu cục bộ và tăng đường huyết làm bệnh trở lên trầm trọng hơn do giảm khả năng đề kháng.

3. Các triệu chứng bàn chân của bệnh đái tháo đường

Người bệnh gặp phải các biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào các vấn đề mà người bệnh đang gặp phải trong từng thời điểm. Nhưng những triệu chứng chung phổ biến nhất mà người bệnh hay gặp phải bao gồm: Mất cảm giác, cảm giác tê hay ngứa ran, xuất hiện các vết phồng rộp hoặc các vết thương khác không đau, sự thay đổi màu da và nhiệt độ, vệt đỏ, vết thương có hoặc không có dịch tiết, đau nhói…

Trong tình trạng nhiễm trùng nặng lên, người bệnh cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu như: Sốt, ớn lạnh, không kiểm soát được lượng đường trong máu, sốc, các chi tấy đỏ… Nếu gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng, đặc biệt là ở bàn chân, người bệnh cần phải đến bệnh viện để được điều trị khẩn ngay.

Biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời tránh hậu quả nặng nề
 Biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời tránh hậu quả nặng nề

4. Cách điều trị bệnh lý bàn chân ở người bệnh ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

– Các vết thương cần phải điều trị bằng kháng sinh nếu có triệu chứng nhiễm trùng xương hoặc mô mềm.
– Có thể dùng kháng sinh phổ hẹp nếu ít có nguy cơ kháng thuốc và không có tiền sử nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng mạn tính. Ngược lại, cần dùng kháng sinh phổ rộng.
– Vết loét và vết thương bàn chân cần được điều trị bởi chuyên gia bàn chân, bác sĩ chỉnh hình, phẫu thuật mạch máu, hoặc chuyên gia phục hồi chức năng có kinh nghiệm chăm sóc bệnh đái tháo đường.
– Tuân thủ điều trị bệnh lý ĐÁI THÁO ĐƯỜNG để đạt được mục tiêu kiểm soát đường máu

5. Phòng ngừa biến chứng bàn chân do ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

– Phòng ngừa bao gồm chăm sóc bàn chân đúng cách và phát hiện sớm để điều trị kịp thời những tổn thương
– Giáo dục, hướng dẫn người bệnh chăm sóc bàn chân;
+ Người bệnh và người thân có vai trò quan trọng trong phòng ngừa các vấn đề về bàn chân: Cắt ngang móng chân và quan sát chân mỗi ngày, phát hiện sớm các vết trầy sước, bỏng nước
+ Rửa chân thường xuyên và lau khô ngay
+ Sử dụng các kem dưỡng, chất làm ẩm như vaselin
+ Không nên ngâm chân quá lâu, tránh dùng các hóa chất mạnh như muối hoặc iod
+ Tránh nóng , lạnh, đi xa với giày dép mới, đeo tất chân quá chật hay đi chân đất, đặc biệt ở những người có biến chứng thần kinh
Hiện tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đang điều trị cho nhiều trường hợp người bệnh có biến chứng về bàn chân, với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm và có chuyên môn. Chính vì vậy khi người bệnh có triệu chứng của bệnh lý bàn chân do ĐÁI THÁO ĐƯỜNG cần nên đến sớm thăm khám và điều trị tại chuyên khoa.

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tel: 1800 888 989

Nguồn tham khảo: The Charcot Foot in Diabetes 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện