Biến chứng thận do đái tháo đường tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ tương đối cao do nhiều người bệnh chưa tuân thủ điều trị. Hậu quả cuối cùng của biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường là suy thận mạn lọc máu chu kì gây ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sức khỏe cũng như kinh tế của người bệnh. Vậy những dấu hiệu bệnh thận do đái tháo đường là gì? Làm sao để phòng ngừa các biến chứng này? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Biến chứng thận do đái tháo đường là gì?
Biến chứng thận do đái tháo đường là biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận (cầu thận là nơi mà máu được lọc qua để tạo thành nước tiểu; các chất được lọc qua cầu thận gồm nước, các chất điện giải như natri, kali, các chất thải trong qua trình chuyển hóa như ure, acid uric… một số thuốc… Chất đạm hoặc các chất có trong khối phân tử lớn sẽ được giữ lại trong máu, bình thường không có đạm trong nước tiểu.)
Để xác định được bệnh thận do đái tháo đường, thường dựa vào các đặc điểm sau:
– Tiểu albumin liên tục (>300mg/ ngày) xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3-6 tháng
– Chức năng lọc của thận giảm dần
– Tăng huyết áp, có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu (bệnh đái tháo đường type 2 ) hoặc trễ hơn
2. Thực trạng biến chứng thận trên người bệnh đái tháo đường
Theo các thống kê, có khoảng 20 – 40% các người bệnh Đái tháo đường sẽ gặp phải biến chứng thận, trong đó có nhiều người bệnh đái tháo đường type 2 đã có protein niệu ngay khi được phát hiện Đái tháo đường, còn với người bệnh Đái tháo đường type 1 thì sau 10 năm bị bệnh sẽ có khoảng 50% số người bệnh phát triển suy thận giai đoạn cuối và sau 20 năm thì con số này đã lên tới 75%.
Số liệu thống kê cho thấy, có đến 43,8% số ca người bệnh chạy thận là do biến chứng bệnh tiểu đường. Trong đó, tỷ lệ tử vong do suy thận giai đoạn cuối lên đến 90%, việc thay thận hay điều trị lại vô cùng tốn kém.
3. Tại sao bệnh đái tháo đường gây biến chứng thận?
Thận là cơ quan quan trọng, đóng vai trò như một hệ thống máy lọc tự nhiên cho cơ thể, nhằm loại bỏ chất độc hại, cặn bã qua đường nước tiểu và giữ lại các chất cần thiết cho cơ thể thông qua một hệ thống các túi lọc.
Hiện nay, cơ chế tổn thương thận do đái tháo đường còn chưa rõ. Nhiều giả thuyết cho rằng tổn thương thận là hậu quả của tăng glucose máu lâu dài. Các nghiên cứu cho thấy tăng tỷ lệ lọc máu ở thận có liên quan đến tỷ lệ tăng glucose máu và tỷ lệ này giảm xuống khi glucose máu được kiểm soát tốt.
Đường máu tăng cao gây ra tổn thương nội mạc mạch máu, trong đó có các mạch máu ở thận. Khi các mạch máu ở thận bị tổn thương làm phá hủy màng lọc cầu thận và ảnh hưởng đến tỷ lệ lọc của cầu thận. Lúc đó, thận không giữ được đạm, dẫn tới dòng máu đến thận tăng nhưng vẫn không có protein niệu và thận sẽ bị phù lên do giảm áp lực keo. Tình trạng này kéo dài sẽ dẩn tới hiện tượng suy thận.
4. Dấu hiệu của biến chứng thận do đái tháo đường?
Biến chứng thận do đái tháo đường ở giai đoạn đầu thường không rõ, một số trường hợp người bệnh sẽ thấy huyết áp tăng, cơ thể mệt mỏi hoặc sưng nhẹ bàn chân. Phần lớn, người bệnh chỉ phát hiện sau khi xét nghiệm nước tiểu tìm vi đạm niệu (microalbumin) hoặc siêu âm bụng thấy thận to.
Khi biến chứng thận do đái tháo đường tăng cao, có thể gây ra các triệu chứng như:
• Huyết áp tăng cao
• Nước tiểu sủi bọt
• Tiểu nhiều lần trong đêm
• Ngứa ngáy, da xanh xao, người mệt mỏi
• Phù mặt.
• Phù bàn chân, cẳng chân
• Thường xuyên bị tụt đường huyết, buồn nôn, chán ăn.
Việc phát hiện sớm biến chứng thận ở người bệnh tiểu đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn những vấn đề nặng nề mà nó gây ra cho sức khỏe người bệnh.
5. Khi bị biến chứng thận do đái tháo đường, cần phải làm gì?
Khi mắc biến chứng thận do đái tháo đường, việc bắt buộc mà người bệnh cần phải làm là đến cơ sở y tế để được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, đồng thời chú ý những việc làm sau:
• Kiểm soát đường huyết thật tốt, HbA1c < 7%.
• Kiểm soát huyết áp thật tốt, HA < 130/80 mmHg.
• Áp dụng chế độ ăn dành cho người suy thận: Đủ năng lượng và dinh dưỡng nhưng giảm đạm, muối
• Khẩu phần nên ăn giảm protein (0,8 gam đạm/kg cân nặng lý tưởng/ngày).
Nếu phải dùng thuốc điều trị các bệnh đi kèm, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ vì một số thuốc có thể làm biến chứng thận nặng lên (VD: thuốc kháng sinh, thuốc điều trị đau khớp…)
6. Làm sao để phòng ngừa biến chứng thận do đái tháo đường?
Biến chứng thận do đái tháo đường chủ yếu là bệnh suy thận, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị tận gốc. Việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng. Do đó người bệnh đái tháo đường phải thực hiện tốt những khuyến cáo sau đề phòng ngừa biến chứng về thận và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn:
– Tầm soát sớm nguy cơ bệnh thận do đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường cần đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể tầm soát tốt nguy cơ gặp biến chứng bệnh thận do đái tháo đường và các biến chứng khác.
– Thay đổi chế độ ăn uống
– Uống đủ nước từ 1,5-2 lít/ ngày, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc khi vận động ra nhiều mồ hôi.
– Áp dụng chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ
– Thực hiện lối sống lành mạnh
– Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng phù hợp. Không nên sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu, bia…
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Nguồn tham khảo: Renal Complications and Duration of Diabetes: An International Comparison in Persons with Type 1 Diabetes