Tổng quan về các phương pháp điều trị thay thế thận

 

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính và không hồi phục theo thời gian do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của nephron.

Suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn. Trong đó, suy thận mạn giai đoạn 5 (hay còn gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối) là khi mức lọc cầu thận <15 ml/ph/1.73 m2, lúc này chức năng thận của người bệnh đã mất hầu như hoàn toàn, để duy trì cuộc sống, người bệnh cần được điều trị thay thế thận. Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiện nay gồm 3 phương pháp chính là: chạy thận nhân tao, lọc màng bụng , ghép thận. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh.

    1.Chạy thận nhân tạo :

Là phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phổ biến nhất, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân.

Chạy thận nhân tạo là dùng máy thận nhân tạo và màng lọc nhân tạo để lọc bớt nước và các sản phẩm chuyển hóa từ trong máu ra ngoài cơ thể. Đào thải nhanh các chât độc và các sản phẩm chuyển hóa ( như urea, creatinin, kali, các chất có trọng lượng phân tử nhỏ và trung bình)

Thông thường, bệnh nhân sẽ chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần, mỗi lần lọc máu kéo dài ít nhất 4 giờ.

Để thực hiện được phương pháp này, tình trạng mạch máu của bệnh nhân phải tốt để có thể thực hiện phẫu thuật tạo cầu nối động-tĩnh mạch. Vị trí phẫu thuật thường là mạch máu ở cổ tay, khuỷu tay 2 bên.

Ưu điểm:

Ưu điểm của phương pháp này là nước và chất thải trong máu được lọc sạch hiệu quả. Việc chạy thận được thực hiện tại các cơ sở y tế, nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn nên đảm bảo về điều kiện vô khuẩn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong quá trình chạy thận.

Nhược điểm:

Nhược điểm của chạy thận nhân tạo là cuộc sống của bệnh nhân phải gắn liền với bệnh viện. Chế độ ăn phải được kiểm soát chặt chẽ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế muối tối đa, không ăn các loại thức ăn, trái cây nhiều Kali, hạn chế uống nước đặc biệt là vào những ngày không chạy thận. Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng trong quá trình chạy thận như: hạ huyết áp, đau đầu, buồn nôn, chuột rút, các tai biến về tim mạch,…

  1. Lọc màng bụng:

Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi.

Ưu điểm:

Ưu điểm của phương pháp lọc màng bụng là đơn giản, dễ thực hiện, người bệnh không bị lệ thuộc vào máy móc. Do thực hiện tại nhà nên người bệnh thuận tiện trong sắp xếp công việc, học tập. Mỗi tháng chỉ cần đến bệnh viện một lần để nhận dịch lọc. Lọc màng bụng làm thay đổi nồng độ các chất hòa tan và lượng nước trong cơ thể một cách từ từ, do đó thích hợp với những người có huyết động không ổn định. Chế độ ăn của người bệnh không bị hạn chế nhiều như phương pháp chạy thận nhân tạo.

Để thực hiện lọc màng bụng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để đặt một ống thông trên người, ống thông này sẽ cố định trong suốt thời gian lọc màng bụng. Nếu không tuân thủ theo đúng các hướng dẫn kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh, vị trí đặt ống thông có thể bị nhiễm trùng gây viêm phúc mạc. Các biến chứng khác có thể gặp là tăng đường máu, rò rỉ dịch từ ổ bụng, hoạt động của cơ hoành bị hạn chế,…

  1. Ghép thận:

 

b1

                               Hình ảnh ca ghép thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú THọ

Ghép thận là việc lấy một quả thận còn tốt của người khỏe mạnh hoặc người đã bị chết não để ghép cho bệnh nhân suy thận mạn. Đây là biện pháp có nhiều hứa hẹn và cho hiệu quả cao nếu ghép thành công. Tuy nhiên vấn đề hạn chế của ghép thận hiện nay là nguồn thận cho còn rất hiếm.

Ưu điểm:

Ưu điểm của phương pháp này là sau khi được ghép thận bệnh nhân suy thận mạn trước đây cảm thấy khỏe mạnh gần như bình thường. Người bệnh có thể sinh hoạt và làm việc gần như bình thường. Ăn uống không phải kiêng khem nhiều như khi chưa ghép thận.

Nhược điểm:

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là phụ thuộc vào nguồn thận và người cho thận có phù hợp hay không. Sau khi ghép thận, người bệnh vẫn phải uống thuốc chống thải ghép, chi phí ghép và điều trị chống thải ghép còn cao.

Kết luận: Khi suy thận giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận. Bệnh nhân được lọc máu ngoài thận để khi đủ điều kiện, có thận cho phù hợp thì ghép thận. Ghép thận nếu bị đào thải thì có thể lại được lọc máu và sau ghép thận phải điều trị bảo tồn để duy trì chức năng thận ghép.

Trung tâm Thận lọc máu – Niềm tin – Chất lượng

 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện