Chiến lược dinh dưỡng hiệu quả giúp người bệnh suy kiệt phục hồi sớm

Người bệnh Nguyễn Quốc Quân (Yên Bái) – 57 tuổi vào viện trong tình trạng viêm phổi, loét hoại tử vùng miệng nặng, thể trạng suy kiệt, suy dinh dưỡng nặng kèm theo mắc nhiều bệnh lý nền phức tạp như đái tháo đường, suy thận, rối loạn điện giải và rối loạn đông máu nặng. Sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực và áp dụng chiến lược dinh dưỡng trong 30 ngày, vết loét đã lành, tình trạng lâm sàng ổn định, người bệnh đã có thể vận động nhẹ nhàng và xuất viện trong niềm vui của gia đình.

Hành trình chữa trị gian nan

Người bệnh nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với khối áp xe vùng mặt chảy mủ sưng nề, thể trạng suy kiệt, da bọc xương, không thể tự đi lại, sinh hoạt cá nhân hoàn toàn phải nhờ vào sự trợ giúp của người thân chăm sóc.

Sau khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán áp xe phần mềm vùng má do tụ cầu vàng, viêm phổi, suy thận, đái tháo đường, rối loạn điện giải, tiêu chảy mạn, thiếu máu.

Trong quá trình điều trị, người bệnh được tiến hành lọc máu, trích rạch khối áp xe, điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ và theo mức lọc cầu thận, kết hợp kiểm soát tốt đường máu, điện giải và đặc biệt là chiến lược về hỗ trợ dinh dưỡng phù hợp, chi tiết theo tình trạng diễn biến của bệnh.

Hình ảnh Người bệnh Quân trước khi can thiệp dinh dưỡng
Hình ảnh Người bệnh Quân trước khi can thiệp dinh dưỡng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế: Trường hợp người bệnh Quân có tiên lượng nặng, bị áp xe , loét hoại tử vùng miệng, má trên nền thể trạng suy mòn, chỉ còn da bọc xương; suy thận, rối loạn chuyển hóa nặng, đường máu tăng cao (xét nghiệm đường huyết lúc vào G 56,91), rối loạn điện giải; kèm theo đó là tình trạng đi ngoài phân lỏng 5-6 lần/ngày.

Với tình trạng này việc điều trị hết sức nan giải, không những khó khăn trong việc dùng thuốc mà còn khó khăn trong cả việc làm thế nào để hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh để người bệnh có thể nâng được thể trạng cũng như tăng cường được sức đề kháng từ đó việc dùng thuốc và các biện pháp điều trị mới đảm bảo có hiệu quả tối ưu.

Dinh dưỡng cá thể hóa giúp người bệnh phục hồi sớm

Sau khi hội chẩn dinh dưỡng, các bác sĩ quyết định thực hiện can thiệp dinh dưỡng tích cực cho người bệnh.

Do tình trạng bệnh lý phức tạp cùng với tổn thương sâu vùng mặt dẫn đến việc ăn uống gặp nhiều khó khăn, khẩu phần ăn qua đường miệng không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng nên người bệnh được chỉ định đặt sonde mũi – dạ dày để nuôi ăn.

Trong quá trình theo dõi và khai thác thông tin dựa trên đặc điểm lâm sàng, bác sĩ phát hiện người bệnh còn mắc thêm hội chứng bất dung nạp lactose dẫn đến tình trạng đi ngoài liên tục khi nuôi ăn với sữa. Vì vậy, bác sĩ đã kê thực đơn riêng, ăn hoàn toàn theo chế độ ăn bệnh lý của bệnh viện bằng phương pháp cá thể hóa dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng được tính toán đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể đồng thời hỗ trợ cho việc phục hồi sức khỏe. Cán bộ khoa Dinh dưỡng đã xây dựng thực đơn can thiệp theo từng ngày dựa trên tình trạng diễn biến lâm sàng của người bệnh để điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn nhằm sửa chữa và tái tạo các mô bị tổn thương.

Bên cạnh việc đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng khẩu phần thì liệu pháp dinh dưỡng miễn dịch cũng được cân nhắc sử dụng cho người bệnh. Cùng với sự tận tình chăm sóc của các y bác sĩ, tình trạng người bệnh đã dần được cải thiện.

Hình ảnh người bệnh sau khi can thiệp dinh dưỡng 30 ngày tại bệnh viện
Hình ảnh người bệnh sau khi can thiệp dinh dưỡng 30 ngày tại bệnh viện

 

Hình ảnh người bệnh sau 2 tháng ra viện
Hình ảnh người bệnh sau 2 tháng ra viện

 

Sau 30 ngày, các tổ chức mô hạt được tái tạo nhanh chóng, vết loét đã khô và đóng vảy. Người bệnh tỉnh táo, có thể tự ngồi dậy và vận động nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó, phác đồ dinh dưỡng còn giúp cải thiện tình trạng bệnh lý nền: ổn định đường huyết, chức năng thận, tình trạng thiếu máu được cải thiện, không còn đi ngoài phân lỏng. Người bệnh ra viện trong niềm vui mừng của gia đình.

Sau khi ra viện, người bệnh vẫn tiếp tục được hỗ trợ tư vấn dinh dưỡng. Hiện tại, sau 2 tháng xuất viện, người bệnh đã tăng được 4kg,cải thiện vận động và đã quay trở về với cuộc sống bình thường.

Tiến sĩ Lan Hương chia sẻ thêm: “Dinh dưỡng đúng và đủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi thể chất cho người bệnh, nhất là trên những người bệnh suy dinh dưỡng nặng, mắc nhiều bệnh lý nền. Việc thực hiện sàng lọc, đánh giá dinh dưỡng để phát hiện các trường hợp có nguy cơ suy dinh dưỡng để can thiệp sớm là cần thiết và nên được thực hiện nghiêm túc. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và tiết kiệm chi phí cho người bệnh rất nhiều.”

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, hầu hết người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng đều được các bác sĩ điều trị rất quan tâm và thực hiện hội chẩn, phối hợp điều trị can thiệp dinh dưỡng sớm. Chế độ dinh dưỡng của người bệnh được khoa Dinh dưỡng – tiết chế xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng bệnh lý và cung cấp các suất ăn đảm bảo chất lượng đến tận giường bệnh, giúp giảm gánh nặng và sự lo lắng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân khi nằm viện.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ 

Tổng đài chăm sóc khách hàng

Tel: 1800.888.989

Khoa Dinh dưỡng -Tiết chế _ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện