Ứng dụng đo dẫn truyền thần kinh trong lâm sàng

I. Đại cương

Đo dẫn truyền thần kinh là kỹ thuật sử dụng máy ghi điện cơ sử dụng dòng điện một chiều kích thích lên dây thần kinh với tần số và cường độ nhất định phụ thuộc vào yêu cầu của từng kỹ thuật đo, nhằm mục đích kích thích dây thần kinh sinh ra đáp ứng về phía ngoại vi hoặc trung tâm sau đó sẽ được ghi lại các đáp ứng tại các vị trí cơ do dây thần kinh chi phối hoặc tại dây thần kinh đó dưới dạng các biểu đồ sóng từ đó phát hiện được các bất thường về dẫn truyền điện học dây thần kinh, khớp nối thần kinh – cơ, các bệnh lý cơ, bệnh lý rễ thần kinh và neuron vận động…

z3456451987008 91df73494050501e87f8c4c69e74f07f

Hình ảnh mô phỏng máy điện cơ máy điện cơ Neurowerk

Các phương pháp đo dẫn truyền thần kinh thường quy đang được ứng dụng phổ biến trên lâm sàng hiện nay nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý thần kinh  bao gồm : Đo dẫn truyền vận động dây thần kinh , đo dẫn truyền cảm giác dây thần kinh , đo sóng F, phản xạ H, test kích thích lặp lại liên tục, phản xạ blink…

II. Một số ứng dụng đo dẫn truyền thần kinh trên lâm sàng

1. Đo dẫn truyền vận động dây thần kinh

Hình ảnh mô phỏng đo dẫn truyền thần kinh vận động dây thần kinh giữa
Hình ảnh mô phỏng đo dẫn truyền thần kinh vận động dây thần kinh giữa

Phương pháp đo tốc độ dẫn truyền thần kinh vận động là phương pháp kích thích dòng điện với cường độ tăng dần lên các dây thần kinh định khảo sát tại các vị trí nhất định trên chi thể mà dây thần kinh đó đi qua và ghi lại đáp ứng vận động ngoại biên tại một số cơ chính mà dây thần kinh đó chi phối dưới dạng biểu đồ dạng sóng. Các thông số ý nghĩa trong đo tốc độ dẫn truyền vận động  bao gồm:

Thời gian tiềm vận động : được tính từ khi kích thích điện vào dây thần kinh đến khi bắt đầu xuất hiện sóng đáp ứng vận động, thời gian tiềm vận động kéo dài trong một số bệnh lý như viêm đa rễ thần kinh, bệnh lý có block dẫn truyền thần kinh như bệnh lý thần kinh do chèn ép…

Tốc độ dẫn truyền vận động :  tốc độ dẫn truyền vận động giảm trong một số bệnh lý có hủy myelin cấp hoặc mãn tính; hoặc tổn thương sợi trục kết hợp hủy myelin…

Biên độ vận động : biên độ vận động thấp gặp trong các bệnh lý có tổn thương sợi trục ; hoặc bệnh lý thần kinh do chèn ép, biên độ vận động giảm kèm theo có thời khoảng kéo dài là biểu hiện tổn thương hỗn hợp sợi trục và myelin mạn tính …

Thời khoảng: là khoảng thời gian được tính từ khi có đáp ứng vận động đến khi kết thúc đáp ứng trên đường đẳng điện, thời khoảng kéo dài gặp trong bệnh lý có hủy myelin cấp hoặc mãn tính…

2. Đo dẫn truyền cảm giác dây thần kinh

a3 4

Hình ảnh mô phỏng đo dẫn truyền cảm giác ngược chiều dây thần kinh giữa

Đo dẫn truyền thần kinh cảm giác là phương pháp dùng dòng điện 1 chiều kích thích lên sợi thần kinh cảm giác với cường độ kích thích thường nhỏ hơn nhiều so với cường độ kích thích trong đo vận động.  Để ghi lại đáp ứng sóng cảm giác có thể ghi theo phương pháp thuận chiều hoặc ngược chiều với sinh lý dẫn truyền thần kinh cảm giác. Sóng đáp ứng dẫn truyền cảm giác được máy mô phỏng dạng biểu đồ và có các thông số dẫn truyền cảm giác sau: thời gian tiềm cảm giác, tốc độ dẫn truyền cảm giác, biên độ sóng cảm giác…

Trong lâm sàng: thời gian tiềm và tốc độ dẫn truyền cảm giác kéo dài gặp trong các bệnh lý bệnh đa rễ dây thần kinh có tổn thương sợi cảm giác do hủy myelin cấp hoặc mãn tính; biên độ cảm giác giảm trong bệnh lý bệnh dây thần kinh cảm giác tổn thương sợi trục, bệnh lý dây thần kinh do chèn ép như hội chứng ống cổ tay …

3. Đo sóng F

a4 2

Cơ chế hình thành sóng F

Nghiên cứu sóng F được ứng dụng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý có tổn thương rễ thần kinh, tổn thương phần hướng về trung tâm của dây thần kinh tính từ sau vị trí kích thích và bệnh lý neuron vận động tủy sống. Các thông số của sóng F được ứng dụng trên lâm sàng bao gồm  tần suất xuất hiện sóng F tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổn số lần kích thích  và thời gian tiềm xuất hiện sóng F. Tần suất xuất hiện sóng F giảm nhiều trong bệnh lý tổn thương gốc dây thần kinh, tổn thương nhiều rễ thần kinh, bệnh cảnh viêm đa rễ thần kinh do hủy myelin, bệnh lý neuron vận động. Thời gian tiềm sóng F kéo dài gặp trong bệnh viêm đa rễ thần kinh do hủy myelin cấp hoặc mạn tính…

4. Phản xạ H

Ở người trưởng thành, phản xạ H chỉ ghi được ở cơ dép và cơ bụng chân là chủ yếu, ngoài ra có thể ghi được ở cơ gấp cổ tay quay nhưng ít được sử dụng hơn;

Ứng dụng phản xạ H cũng gần như sóng F nhằm chẩn đoán các bệnh lý tổn thương rễ thần kinh như rễ S1; bệnh lý đa rễ thần kinh trong hội chứng Guillan barre, bệnh lý tổn thương tủy sống…

5. Phản xạ blink 

Phản xạ blink là phản xạ chớp mắt, chủ yếu để đánh giá tổn thương đường dẫn truyền của cung phản xạ chớp mắt bao gồm: dây V cùng bên, dây VII cùng bên và đối bên và cầu não.

a5 2

Hình ảnh mô phỏng ghi phản xạ blink

Ứng dụng của phản xạ blink trong chẩn đoán tổn thương dây V, dây VII, cầu não, bệnh lý đa rễ, dây có tổn thương dây thần kinh sọ …

Trong liệt dây VII ngoại vi phản xạ blink giúp bác sỹ tiên lượng khả năng hồi phục của dây thần kinh thông qua  kết quả đo dẫn truyền thần kinh.

6. Test kích thích lặp lại liên tục

Test kích thích lặp lại liên tục là kỹ thuật dùng dòng điện 1 chiều kích thích lên dây thần kinh vận động với tần số cao 3 HZ, ở cường độ trên tối đa, liên tiếp trên 10 kích thích, để phát hiện các hiện tượng tăng hoặc hoặc giảm biên độ từ đó giúp ích cho chẩn đoán các bệnh lý synap thần kinh cơ như : bệnh nhược cơ, hội chứng nhược cơ Lambert – Eaton:

Một số hình thái biểu hiên của test kích thích lặp lại liên tục
Một số hình thái biểu hiên của test kích thích lặp lại liên tục

Test kích thích lặp lại liên tục được coi là một xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý nhược cơ, chẩn đoán phân biệt với các bệnh có yếu chi không có rối loạn vận cảm giác…

Trong bệnh lý nhược cơ thường hiện tượng suy giảm biên độ ở các kích thích thứ 4-5; hiện tượng suy giảm biên độ trên 10 % giúp gợi ý chẩn đoán có bệnh lý synap thần kinh cơ …

III. Các chỉ định trên lâm sàng của phương pháp đo dẫn truyền thần kinh

  • Bệnh lý đơn dây thần kinh: liệt dây quay, tổn thương dây thần kinh giữa, dây trụ, chày, mác…
  • Bệnh lý thần kinh do chèn ép: hội chứng ống cổ tay, hội chứng rãnh trụ, hội chứng Guyon, hội chứng ổng cổ chân, hội chứng cổ xương mác…
  • Tổn thương đám rối cánh tay sau chấn thương, sau phẫu thuật…
  • Bệnh đa dây thần kinh : bệnh dây thần kinh do tiểu đường, do lupus ban đỏ…
  • Bệnh lý đa rễ dây thần kinh : hội chứng Guillan- Barre.
  • Bệnh lý tổn thương rễ thần kinh ở cột sống cổ, cột sống thắt lưng
  • Bệnh lý synap thần kinh cơ : bệnh nhược cơ
  • Bệnh lý dây thần kinh sọ : dây VII, dây V
  • Bệnh lý neuron vận động : viêm tủy xám, xơ cột bên teo cơ…
  • Bệnh lý cơ…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 Nguyễn Hữu Công (2013), Chẩn đoán điện và ứng dụng lâm sàng, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Nguyễn Văn Chương (2017), Thần kinh học toàn tập, Nhà xuát bản y học.
  2. David C. Preston and Barbara E. Shapiro (2013), electromyography-and-neuromuscular-disorders,

Tiến sĩ Vũ Viết LanhTrung tâm Đột quỵ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện