Gãy đầu xa xương quay (Gãy đầu dưới xương quay) – 1 số điều cần biết

Là gãy một trong hai xương của cẳng tay phía gần cổ tay. Gãy đầu xa xương quay chủ yếu do té ngã ở tư thế chống bàn tay duỗi hết mức, mặt đất và sức nặng cơ thể tác động lực lớn đè ép đầu dưới xương quay, thường gặp ở người lớn tuổi. Trên thực tế, gãy xương quay là một trong những gãy xương hay gặp nhất

Gãy đầu xa xương quay
Gãy đầu xa xương quay

Phân  loại gãy đầu xa xương quay có một số kiểu sau:

  • Gãy nội khớp: gãy xương có đường gãy đi qua khớp
  • Gãy ngoại khớp:  gãy xương không có đường gãy qua khớp
  • Gãy hở: Gãy xương có vết thương trên da thông với ổ gãy. Kiểu gãy này cần phẫu thuật sớm vì có nguy cơ nhiễm khuẩn xương
  • Gãy vụn (Contaminated fracture): Khi một xương bị gãy ra nhiều hơn 2 mảnh

Việc phân loại xương gãy rất quan trọng bởi vì ảnh hưởng tới phương án điều trị, thời gian liền xương, các nguy cơ có thể xảy ra.

Trong một số trường hợp, xương còn lại của cẳng tay cũng bị gãy, gọi là gãy xương trụ. Phụ thuộc vào mức độ gãy, có thể có thêm các phương án điều trị.

Các kiểu hình gãy đầu xa xương quay
Các kiểu hình gãy đầu xa xương quay

Triệu chứng gãy đầu xa xương quay

  • Ngay sau ngã, người bệnh sẽ cảm thấy đau, sưng nề, có thể bầm tím vùng cổ tay. Có thể thấy cổ tay biến dạng, sờ nắn thấy lạo xạo, hoặc có các cử động bất thường.
  • Trong những trường hợp gãy nghiêm trọng, dây thần kinh, mạch máu của tay ở đoạn cổ tay bị chèn ép, thậm chí bị rách, bệnh nhân thấy tê bì nhiều các ngón tay. Nếu sau ngã thấy tay tê bì, cần tới cơ sở y tế ngay để tránh các tổn thương thần kinh vĩnh viễn không hồi phục được.

Chẩn đoán bệnh gãy đầu xa xương quay

  • Các bác sĩ sẽ thăm khám tại vùng cổ tay đau để đánh giá tình trạng gãy xương, các tổn thương phối hợp nghi ngờ.
  • Để khẳng định chẩn đoán, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp XQ vùng cổ tay. Phim XQ sẽ chỉ ra xương có bị gãy hay không, gãy ở đoạn nào, kiểu hình gãy ra sao.
  • Một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính(Chụp CT) để đánh giá hình ảnh 3D của xương gãy. Điều này đánh giá các đường gãy khó nhìn trên phim XQ, cũng như hỗ trợ cho cuộc phẫu thuật.

Điều trị gãy đầu xa xương quay

  • Nguyên tắc điều trị chung: Ổ gãy được chỉnh hình về như hình thái bình thường và ngăn chặn sự di lệch cho tới khi xương lành vững.
  • Có nhiều phương án điều trị cho gãy đầu xa xương quay. Việc lựa chọn phụ thuộc nhiều yếu tố, như là bản chất của ổ gãy, tuổi và mức độ hoạt động của người bệnh, kinh nghiệm và kĩ thuật mổ của bác sĩ. Thường chia 2 loại phương án chính: điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật
    • Điều trị bảo tồn:
      • Khi gãy xương di lệch ít, không phạm khớp hoặc phạm khớp đơn giản, các bác sĩ sẽ kéo nắn chỉnh kín để xương về vị trí. Sau đó bó bột tròn rạch dọc, hoặc đặt nẹp bột khoảng 7 ngày. Sau 7 ngày tình trạng sưng nề giảm bớt, bột lỏng, bệnh nhân sẽ được thay sang bột tròn kín.
      • Tổng thời gian bó bột 4-6 tuần tùy theo tình trạng liền xương. Sau khi bỏ bột bệnh nhân cần tích cực tập vận động tay để phục hồi chức năng sau thời gian cố định dài.
      • Lưu ý: Dù sau khi nắn chỉnh ban đầu tốt, xương vẫn có tỉ lệ ít di lệch lại trong bột. Lý do vì các cơ vẫn có thể có kéo tĩnh ở trong bột. Nếu gặp tình trạng này, tùy hình thái di lệch nhiều hay ít mà các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân.
Hình ảnh bột cánh cẳng bàn tay cố định cho người bệnh gãy đầu xa xương quay
Hình ảnh bột cánh cẳng bàn tay cố định cho người bệnh gãy đầu xa xương quay
  • Điều trị phẫu thuật
    • Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi ổ gãy không nắn chỉnh kín được hoặc ổ gãy không vững, không duy trì được tư thế khi bó bột
    • Các bác sĩ sẽ rạch da vị trí ngay trên ổ gãy, bóc tách tổ chức phần mềm bộc lộ ổ gãy. Chỉnh hình ổ gãy về vị trí giải phẫu, sau đó cố định bằng phương tiện kết hợp xương như là xuyên đinh, nẹp vít,…
Hình ảnh sau mổ gãy đầu xa xương quay tại khoa Chấn thương 2
Hình ảnh sau mổ gãy đầu xa xương quay tại khoa Chấn thương 2

Giai đoạn phục hồi gãy đầu xương quay

  • Kiểm soát đau
    • Ổ gãy xương thường sẽ đau một vài ngày tới vài tuần. Trong nhiều trường hợp, việc chườm lạnh, kê cao tay, thuốc giảm đau thông thường có thể giảm đau hiệu quả.
    • Nếu các phương pháp thông thường không làm dịu được cơn đau, các bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc giảm đau mạnh có chứa opioids. Tuy nhiên loại giảm đau này có tính gây nghiện nên thường dùng ngắn ngày, ngay khi cơn đau dịu dần.
  • Chăm sóc khi bó bột và chăm sóc vết thương
    • Trong quá trình liền xương, bột bó cần được giữ khô. Nếu bột bị ướt thường sẽ không dễ khô trở lại. Bạn có thể sử dụng máy sấy để làm khô tạm thời. Nếu bột bị ướt nhiều, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để thay bột mới
    • Vết mổ sau khi kết hợp xương phải được giữ khô và sạch trong ít nhất 5 ngày. Các bác sĩ sẽ báo cho bạn biết khi nào có thể bỏ gạc băng vết thương.
  • Biến chứng có thể gặp
    • Sau khi phẫu thuật hoặc bó bột, điều quan trọng là bạn phải đạt được chuyển động hoàn toàn của các ngón tay càng sớm càng tốt. Nếu bạn không thể cử động hoàn toàn các ngón tay trong vòng 24 giờ do đau và / hoặc sưng, hãy liên hệ với bác sĩ để được đánh giá.
    • Đau không dứt có thể là dấu hiệu của hội chứng đau vùng phức tạp (loạn dưỡng giao cảm phản xạ) phải điều trị tích cực bằng thuốc hoặc dùng thuốc phong bế thần kinh. Thông báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn bị đau quá mức không trở đỡ hơn khi dùng thuốc.
  • Phục hồi chức năng và quay lại hoạt động bình thường
    • Hầu hết các bệnh nhân sẽ quay trờ lại hoạt động bình thường khi xương liền. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân sẽ bị hạn chế vận động hoàn toàn hoặc 1 phần vĩnh viễn. Những yếu tố ảnh hưởng đó là cơ chế chấn thương, phương án điều trị, sự đáp ứng của mỗi cơ thể với điều trị.
    • Sau khi bỏ bột, nhiều bệnh nhân sẽ thấy hơi cứng cổ tay. Triệu chứng này sẽ đỡ dần sau 1-2 tháng cho tới 2 năm khi bệnh nhân tập vận động. Một vài trường hợp tiến triển chậm, bác sĩ sẽ tư vấn bạn điều trị Phục hồi chức năng vài ngày hoặc vài tuần.
    • Bạn có thể bắt đầu các hoạt động nhẹ trong 1-2 tháng đầu. Các hoạt động nặng như chơi bóng đá, chơi thể thao đối kháng chỉ nên tập lại khi xương liền chắc (3-6 tháng)

Khoa Chấn thương 2 – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các chấn thương tay, thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng sau chấn thương. Vì vậy nếu có các triệu chứng của gãy đầu xa xương quay bạn có thể đến Bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị giúp phục hồi sức khỏe sớm.

Để biết thêm thông tin chi tiết 

vui lòng liên hệ Khoa Chấn thương 2 – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Hotline: 1800.888.989

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện