HE4 – Bước tiến mới trong chẩn đoán nguy cơ Ung thư buồng trứng

Đơn vị Hóa sinh – Trung tâm Xét Nghiệm – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ hiện nay đã thực hiện kỹ thuật định lượng HE4 dựa trên công nghệ điện hóa phát quang trên hệ thống máy miễn dịch điện hóa phát quang ( Cobas 6000, Cobas 8000…), mang lại hiệu quả cao trong việc chần đoán nguy cơ Ung thư buồng trứng (UTBT).

Đơn vị Hóa sinh – Trung tâm Xét Nghiệm với đội ngũ y bác sĩ giỏi, được đào tạo chuyên môn cao luôn không ngừng phấn đấu, tập trung phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, khẳng định bước tiến mới trong y học hiện đại. Xét nghiệm Định lượng HE4 mà Đơn vị Hóa sinh mới triển khai là một bước tiến mới trong chẩn đoán nguy cơ UTBT, theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán sớm các trường hợp tái phát sau điều trị ( phẫu thuật, hóa trị liệu ).

UTBT là một trong năm loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới, chiếm khoảng 30% các bệnh ung thư phụ khoa. Có đến 55% ca tử vong do ung thư phụ khoa là UTBT. Nếu được phát hiện, chẩn đoán, và điều trị sớm thì điều trị UTBT sẽ có kết quả tốt. Tuy nhiên, phần nhiều các trường hợp được chẩn đoán khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, nguyên nhân là do UTBT thường không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng nên người bệnh thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Để chẩn đoán UTBT, bên cạnh thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm CA125 được dùng khá phổ biến. Tuy nhiên, xét nghiệm CA125 còn có nhiều hạn chế như CA125 chỉ tăng ở khoảng 80% UTBT thể biểu mô (20% trường hợp còn lại không phát hiện được bằng CA125), và dưới 50% UTBT ở giai đoạn sớm như giai đoạn I và giai đoạn II (50% còn lại xét nghiệm CA125 không phát hiện), trong khi CA125 lại tăng trong các bệnh lý phụ khoa lành tính.

Xét nghiệm HE4 (Human epididymal protein 4: protein mào tinh hoàn người 4) được xác định đầu tiên trong biểu mô của mào tinh hoàn ngoại biên. Nó được bài tiết với nồng độ cao trong huyết thanh của bệnh nhân UTBT. Là một dấu ấn ung thư đơn độc, HE4 có độ nhạy cao nhất đối với việc phát hiện UTBT, đặc biệt trong giai đoạn sớm không có triệu chứng. Việc sử dụng kết hợp CA 125 và HE4 trong chẩn đoán UTBT cho độ nhạy cao nhất ( 75% – 80% ) và độ đặc hiệu 95%. Ngoài ra, nồng độ HE4 còn có mối tương quan với tình trạng đáp ứng điều trị và tình trạng tái phát bệnh ở người bệnh UTBT. Do đó HE4 còn là một chất chỉ điểm ung thư sớm và rất quan trọng trong chẩn đoán tái phát UTBT.

02102018 HE4 1

Hệ thống xét nghiệm tự động của Đơn vị Hóa sinh – TT Xét Nghiệm

Xét nghiệm HE4 có thể được chỉ định một mình hoặc kết hợp với CA 125. Việc kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125, cùng với thuật toán ROMA (Risk of Ovarian Malignancy Algorithm) đánh giá nguy cơ UTBT, làm tăng độ nhạy của chẩn đoán UTBT, ít bỏ sót các trường hợp tái phát  UTBT, giúp chẩn đoán phân biệt giữa khối u lành tính hoặc ác tính vùng chậu hông chính xác hơn việc sử dụng mỗi xét nghiệm đơn lẻ, làm tăng độ nhạy của chẩn đoán ung thư buồng trứng ở phụ nữ có khối u vùng chậu hông.

02102018 HE4 1 2

Kỹ thuật viên thực hiện thao tác trên máy xét nghiệm

Hiện nay việc sử dụng xét nghiệm HE4 và thuật toán ROMA đã mang lại hiệu quả cao trong việc dự báo sớm nguy cơ UTBT. Giúp người bệnh có thể phát hiện, chẩn đoán sớm. Đem lại hiệu quả điều trị cao.

Thanh Nga

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật