Hiệu quả của đo thính lực trong điều trị bệnh khiếm thính

Với trang thiết bị đo thính lực hiện đại, kỹ thuật số, Bệnh viện Đa Khoa Phú Thọ triển khai kỹ thuật đo thính lực, nhĩ lượng, tư vấn điều trị và tư vấn sử dụng máy trợ thính kỹ thuật số phù hợp cho bệnh nhân nghe kém.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện nay số người bị điếc và nghe kém ảnh hưởng đến sinh hoạt lên đến 360 triệu người trên toàn thế giới và đang ngày càng tăng. Nghe kém là hiện tượng khả năng cảm nhận âm thanh của một người bị suy giảm một phần hoặc toàn bộ. Bằng phương pháp đo thính lực, có thể xác định được mức độ và thể loại nghe kém.

Đo thính lực là gì?

Đo thính lực là phương pháp nhằm xác định âm thanh nhỏ nhất mà một người có thể nghe được ở một tần số xác định (ngưỡng nghe). Ngưỡng nghe được xác định trên dải tần số từ 250Hz đến 8000Hz trong khoảng giới hạn cường độ âm thanh từ -10 dB HL đến 120dB HL. Âm đo kích thích sẽ được phát qua hai đường truyền đó là đường khí – âm đo được phát qua chụp tai, và đường xương – âm đo được phát qua cục rung đường xương đặt trên xương thái dương. Kết quả của đo thính lực chính là thính lực đồ cho biết mức độ nghe kém là nhẹ, trung bình, nặng hay sâu. Đồng thời dựa vào tương quan giữa ngưỡng nghe đường khí và đường xương để xác định thể loại nghe kém là dẫn truyền, tiếp nhận, hay hỗn hợp. Thính lực đồ cung cấp thông tin quan trọng để xác định biện pháp điều trị, can thiệp cho người bệnh nghe kém.

08042020 thinh luc 1

Đo thính lực cho người bệnh tại phòng cách âm

Nguyên nhân dẫn đến nghe kém

Theo Bác sĩ CKII Phan Ngọc Minh – Khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghe kém, có thể nhóm các nguyên nhân này lại theo thể loại nghe kém như sau;

Nguyên nhân dẫn đến nghe kém thể loại dẫn truyền: Người bệnh bị nghe kém dẫn truyền là do gặp phải những tổn thương, hay sự ngăn cản đường truyền âm thanh ở tai ngoài hoặc tai giữa bao gồm: thủng màng nhĩ, tắc ống tai, xốp xơ tai, trật khớp chuỗi xương con,v.v.

08042020 thinh luc 2

Ảnh chụp nội soi thủng màng nhĩ

Nguyên nhân dẫn đến nghe kém thể loại tiếp nhận: Người bệnh bị nghe kém tiếp nhận do gặp phải những tổn thương ở tai trong bao gồm: lão thính, biến chứng của viêm màng não mủ, tác dụng phụ của thuốc, nghe kém bẩm sinh, u dây thần kinh thính giác, v.v.

Nguyên nhân dẫn đến nghe kém thể loại hỗn hợp: là sự kết hợp của nghe kém dẫn truyền và nghe kém tiếp nhận.

Hậu quả của nghe kém

Nghe kém nếu không được điều trị và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Người bị nghe kém sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và có xu hướng không muốn tham gia vào các cuộc hội thoại, các hoạt động giao lưu xã hội, và từ đó bệnh nhân nghe kém dễ rơi vào tình trạng cô lập, buồn bã, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Nghe kém khiến cho việc lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến bị hạn chế. Hơn nữa, nếu có mức độ nghe kém sâu, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi nghe những âm thanh cảnh báo nguy hiểm như tiếng còi, chuông báo cháy,v.v.

Các biện pháp can thiệp dành cho người bệnh nghe kém

Khi xác định nghe kém, người bệnh sẽ được bác sĩ tai mũi họng thăm khám chuyên sâu và đưa ra phác đồ điều trị, có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật tai. Tuy nhiên, nếu sau thời gian điều trị mà thính lực không phục hồi lại được như mức mong muốn thì tùy vào tình trạng nghe, người bệnh có thể sử dụng các thiết bị can thiệp như máy trợ thính, trợ thính đường xương, ốc tai điện tử, trong đó nhóm người bệnh can thiệp bằng máy trợ thính là có số lượng đông đảo nhất.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có nhiều loại máy trợ thính kỹ thuật số công nghệ cao được hiệu chỉnh trên phần mềm chuyên dụng phù hợp với sức nghe của từng người đảm bảo chất lượng âm thanh tốt nhất. Máy có nhiều kiểu dáng từ vô hình trong ống tai cho người bệnh nghe kém nhẹ trung bình, và đeo ngoài tai cho người bệnh nghe kém nặng sâu.

Đến với Khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cuộc sống của người bệnh nghe kém sẽ được cải thiện một cách đáng kể.

Hãy nhấc máy và liên hệ với khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng hàm mặt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ 0210.6254.140 hoặc 0989.642.707 (Bác sĩ Minh) nếu có biểu hiện nghe kém để được tư vấn và thăm khám.

Trương Tĩnh

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện