Vừa qua, Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ phẫu thuật thành công 2 trường hợp lõm lồng ngực, cháu Nguyễn Thị Thảo M. 12 tuổi và Nguyễn Thị Phương A.10 tuổi. Để cung cấp thêm thông tin về bệnh lõm ngực cho các gia đình, qua đó sớm phát hiện và điều trị để mang lại sự tự tin và sức khỏe của các cháu nhỏ, mời các bạn cùng theo dõi cuộc trao đổi với BsCK2 Triệu Quốc Thường – Trưởng Đơn vị.
PV: Thưa bác sỹ, nhiều bà mẹ còn rất lo lắng không biết con mình có bị lõm lồng ngực hay không và bệnh có nguy hiểm gì không?
Bs: Lõm ngực là một phần thành ngực (hay gặp nhất là xương ức) lõm xuống với các mức độ khác nhau. Đây là một dị tật bẩm sinh, không gây nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ.
Để nhận biết mức độ lõm ngực của trẻ, gia đình có thực hiện như sau: đặt 1 cái thước ngang qua vị trí lõm, đo khoảng cách đến xương ức (L). Nếu L > 1,5 cm là lõm, nếu L > 3 cm là lõm nhiều.
Tuy nhiên, cách này không chính xác, cần xác định trên phim chụp cắt lớp. Tính chỉ số Haller (Haller index – HI): tỷ lệ giữa bề rộng lồng ngực/ bề sâu nhất từ sau xương ức đến mặt cột sống ngực. Khi HI > 3,2 là lõm xương ức, HI > 6 là rất nặng.
PV: Thưa Bs, lõm lồng ngực có phải mổ không ạ? Tuổi nào thì mổ ạ?
Bs: Chỉ định mổ được khuyến cáo là có 2 hoặc nhiều hơn các tiêu chí sau: (1) tiến triển lõm ngày càng tăng, (2) Khó thở khi gắng sức mà không có tổn thương tại tim và phổi, (3) Đau ngực tiến triển hoặc khó thở, (4) Đo chức năng hô hấp hạn chế, (5) Chỉ số Haller > 3,25, (6) phẫu thuật cắt hình chêm xương ức thất bại, (7) Chèn ép tim trên siêu âm, (8) so van 2 lá thực thể hoặc cơ năng.
Lứa tuổi khuyến cáo phẫu thuật là từ 5 – 18 tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tuổi 6 – 18 tuổi là phù hợp, nếu trên 25 tuổi, mổ không hiệu quả do khung xương cứng chắc.
PV: Mổ lõm lồng ngực có nặng không và nhiều biến chứng không ạ?
Bs: Ngày nay, hầu hết các cơ sở đều mổ theo phương pháp Nuss (đưa thanh kim loại vào mặt sau xương ức, đẩy cả khối xương lên mà không cắt xương ức hình chêm). Phương pháp này hiệu quả và giảm thiểu tổn thương xương.
Đơn vị chúng tôi phẫu thuật Nuss dưới sự khảo sát máy nội soi, kiểm soát hoàn toàn tim và phổi trong phẫu thuật, hệ số an toàn rất cao.
Tai biến phẫu thuật Nuss rất ít, từ 0,2 – 0,3% như tràn khí, tràn máu khoang màng phổi. Tai biến này đều được xử trí triệt để dưới máy nội soi.
Biến chứng sau phẫu thuật có nhưng rất ít như: đau sau phẫu thuật (thường 2 đến 3 ngày đầu). Hiện nay chúng tôi dùng giảm đau liên tục trên máy PCA rất tốt. ngoài ra rất ít trường hợp dị ứng thanh kim loại hoặc viêm nhiễm vết mổ. Di lệch thanh cũng đã được báo cáo với tỷ lệ rất hiếm. Chúng tôi phẫu thuật từ 2016 đến nay, chưa thấy trường hợp nào dị ứng hay di lệch.
Đơn vị chúng tôi chuyên phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, trình độ chuyên môn, điều kiện vô khuẩn khắt khe nên tai biến, biến chứng rất ít gặp.
Phẫu thuật Nuss cho người bệnh lõm ngực có nội soi hỗ trợ
PV: Thanh kim loại để vậy có sợ sét đánh không?
Bs: Thanh kim loại hoàn toàn đẳng điện với cơ thể, không bị nhiễm điện nên không sợ sét đánh. Khuyến cáo đưa ra là nên tháo thanh kim loại sau 2 – 3 năm. Chúng tôi thường hẹn bệnh nhân tháo sau 2 năm, khi đó khung xương khá vững chắc. Khi tháo thanh Nuss thường nhẹ nhàng, ít đau do tạo thành đường hầm chắc. Sau tháo thường 3 ngày sau ổn định, ra viện.
PV: Mổ lõm lồng ngực có được hưởng bảo hiểm không ạ?
Bs: Phẫu thuật Nuss nâng xương ức hay tháo thanh Nuss tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ hoàn toàn được hưởng bảo hiểm y tế, ngoài ra, một số bảo hiểm khác cũng có chính sách riêng hỗ trợ.
Để tránh sự tự ti thậm chí ảnh hưởng sức khỏe, thể chất, tâm sinh lý của trẻ, khuyến cáo phụ huynh cho trẻ đi khám sớm khi nghi ngờ và nhận được tư vấn chính xác từ bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại tư vấn 24/7 của Đơn vị: 0210 651 7666.
PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi!