Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng quyết định một phần lớn trong hiệu quả điều trị của cuộc phẫu thuật. Hãy cũng Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về phẫu thuật thay khớp háng
Phẫu thuật thay khớp háng là quá trình cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp háng bị tổn thương không thể phục hồi do bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật này thường được chỉ định khi tổn thương ở khớp háng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân.
Vì sao phải phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng?
Với người bệnh sau khi thay khớp háng, tập phục hồi chức năng là điều bắt buộc để người bệnh có thể hồi phục được khả năng đi lại vận động bình thường.
Bên cạnh đó, sau khi phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh rất dễ gặp biến chứng trật khớp. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp người bệnh vận động đúng cách để tránh gặp phải biến chứng này, cũng như hướng dẫn các tư thế đúng để người bệnh phòng tránh được những rủi ro khi trở lại cuộc sống hàng ngày.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Thông thường, ngay sau khi người bệnh phẫu thuật xong đã được các bác sĩ hướng dẫn tư thế vận động nhẹ nhàng sau đó tăng dần cường độ và độ khó đến khi người bệnh có thể vận động bình thường.
Người bệnh cần chuẩn bị những gì khi tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng là một quá trình kéo dài và cần đến sự phối hợp ăn ý giữa bác sĩ, người bệnh và cả người nhà người bệnh. Trong đó, quan trọng nhất là người bệnh cần phải hoàn toàn hợp tác và tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ trước, trong và sau quá trình tập luyện.
Thông thường, trước khi tiến hành tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh để đảm bảo thể trạng người bệnh ổn định. Người bệnh cũng cần lưu ý một số điều để tự cải thiện thể trạng của mình sao cho có thể đáp ứng được quá trình phục hồi chức năng, cụ thể như sau:
- Có chế độ ăn uống bồi bổ đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích vì những chất độc hại trong đó sẽ làm chậm quá trình liền xương.
- Nghỉ ngơi thư giãn, tránh suy nghĩ tiêu cực gây căng thẳng về mặt tâm lý.
- Vận động, tập các bài tập nhẹ nhàng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Không vận động mạnh, gắng sức, không chơi những môn thể thao mạnh, tránh va chạm.
- Sau khi phẫu thuật, nhiều người thường nằm im một chỗ vì sợ đau, điều này rất có hại cho khớp. Thay vào đó, người bệnh cần vận động nhẹ nhàng thường xuyên, vừa sức, tránh bất động trong thời gian dài.
- Người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý, cần có kế hoạch giảm cân nếu bị thừa cân hay béo phì.
Cùng với sự chuẩn bị về thể trạng và tâm lý của người bệnh, người nhà người bệnh cũng cần chú ý một số điểm để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng của người bệnh:
- Lưu ý tránh để sàn nhà trơn trượt, ướt hoặc gồ ghề.
- Điều chỉnh lại cách bài trí trong nhà, loại bỏ các vật dụng trang trí không cần thiết.
- Bố trí lại vị trí nội thất như bàn ghế, giường tủ sao cho thuận lợi nhất với mục đích sử dụng của người bệnh.
- Sắp xếp phòng ngủ cho người bệnh ở tầng trệt, gần nhà bếp, nhà vệ sinh. Tránh để người bệnh phải di chuyển lên xuống cầu thang.
- Nếu gia đình có thói quen trải chiếu ăn dưới sàn hoặc ăn trên bàn ăn có độ cao không phù hợp với người bệnh, cần bố trí riêng một bàn ăn khác có độ cao phù hợp hơn, không để người bệnh ngồi khoanh chân hoặc rướn người khi ăn.
- Gia đình nên bố trí người trông nom thường xuyên.
Một số lưu ý khi tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng
Bên cạnh việc tích cực tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh nên chú ý tránh các tư thế xấu trong quá trình phục hồi chức năng sau khớp háng để tránh làm tổn thương khớp háng mới hoặc ảnh hưởng đến kết quả của quá trình tập. Một số tư thế xấu mà người bệnh cần tránh tuyệt đối:
- Bắt chéo chân phẫu thuật sang chân lành ở tư thế ngồi hoặc nằm.
- Cúi gập người để nhặt đồ vật đánh rơi dưới đất hay mang giày.
- Ngồi xổm, ngồi khoanh chân
- Mang vác vật nặng.
- Xoay chân phẫu thuật vào trong.
- Va chạm mạnh vào chân phẫu thuật.
Ngoài ra, trong quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng, nếu thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần trao đổi ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều chỉnh tập luyện sao cho phù hợp nhất.