Tìm hiểu về bệnh hẹp động mạch cảnh

Động mạch cảnh là một động mạch nằm ở vùng cổ. Nó cấp máu cho vùng đầu mặt cổ. Đường kính trung bình khoảng 4 mm.  Hẹp động mạch cảnh do xơ vữa là bệnh lý mạch máu toàn thân thường gặp. Thương tổn hẹp động mạch cảnh có thể gây ra những hậu quả nặng nề, đặc biệt là tai biến mạch máu não (TBMMN).

a1 3

Hình ảnh hẹp động mạch cảnh

Những đối tượng nào dễ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh?

Hẹp động mạch cảnh thường gặp ở nhóm bệnh nhân tim mạch: Xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân. Tuổi già liên quan đến sự biến đổi của thành động mạch tăng lên, nguy cơ xơ vữa hẹp tắc động mạch cảnh tăng, thường xuất hiện ở bệnh nhân > 65 tuổi.

Tai biến mạch máu não là gì?

– Là triệu chứng thần kinh của bệnh Hẹp động mạch cảnh, hậu quả của việc giảm hoặc mất vận chuyển oxy ở một vùng của não.

– Có thể do nhiều nguyên nhân: hẹp tắc tại chỗ của động mạch cảnh trong hoặc một mạch não do cục máu đông, mảnh vụn của mảng xơ vữa bong ra di chuyển lên. Trong cả 2 trường hợp, một phần của não giảm tưới máu, gây ra mất hoặc giảm chức năng quan trọng tương ứng với vùng chức năng của não.

– Tùy vào diễn biến của triệu chứng thần kinh người ta chia thành các nhóm biểu hiện:

+ Nhóm bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng: Phát hiện tình cờ khi phải can thiệp tim mạch ở vị trí khác (mạch chi dưới, mạch vành, van tim…) hoặc phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ

+ Thiếu máu não thoáng qua: Là tình trạng suy giảm thần kinh khu trú xuất hiện tướng ứng với vùng chi phối của mạch cảnh, thoái triển hoàn toàn trong 24 giờ, không để lại di chứng. Có 4 biểu hiện chính như sau:

*Mù một mắt thoáng qua (18%)

* Liệt nhẹ nửa người (50%)

* Rối loạn cảm giác một bên chi, tê bì, kiến bò (35%)

* Rối loạn vận ngôn (18%).

Sự xuất hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua báo động cho sự xuất hiện một cơn tai biến mạch máu não thực sự.

+ Tai biến mạch máu não nhắc lại hồi phục: Khi có một hoặc nhiều dấu hiệu thần kinh (rối loạn vận động, cảm giác, thị giác hay ngôn ngữ) xuất hiện nhiều lần với mức độ kín đáo, nhưng có khi biểu hiện đột ngột rõ ràng với các triệu chứng: Liệt vận động một chi hoặc liệt nửa người, liệt mặt; giảm thị lực, thất ngôn; hôn mê. Các thương tổn này thoái triển dần tới hồi phục hoàn toàn.

+ Tai biến mạch máu não cố định: Việc hồi phục các dấu hiệu thần kinh đòi hỏi thời gian trên 3 tuần. Săn sóc, điều trị cho các bệnh nhân này là một gánh nặng về kinh tế và xã hội cho bản thân và gia đình người bệnh cũng như cộng đồng. Tỷ lệ tử vong của nhóm này là 4%/ năm.

Ở Việt Nam, 80% các trường hợp tai biến mạch máu não là nhồi máu não, trong đó nguyên nhân gây ra do hẹp ĐM cảnh chiếm 15-30%. Bệnh lý về mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong và khuyết tật hàng đầu trên thế giới.

Các phương pháp thăm dò

– Siêu âm Doppler màu: Là một thăm dò đơn giản và không xâm nhập, không đau, cho phép xác định vị trí hẹp, mức độ hẹp, ảnh hưởng của chỗ hẹp tới huyết động.

– Nếu hẹp trên 60%, một phim chụp động mạch (Angiography), chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ được chỉ định để xác định chính xác mức độ hẹp, phân tích hệ thống các ĐM nuôi não khác, cũng như cho biết ảnh hưởng của những thương tổn này đến cấu trúc não nói chung.

– Ngoài ra, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm khác: sinh hóa máu, siêu âm tim, chụp mạch vành, siêu âm động mạch chủ bụng, mạch chi dưới, mạch thận để đánh giá các tổn thương phối hợp khác.

Điều trị

Điều trị nội khoa

– Với hẹp mạch cảnh mức độ vừa và nhẹ (chưa cần can thiệp ngoại khoa)

– Điều trị này làm giảm tai biến mạch máu não 20% và nhồi máu cơ tim 30%. Thuốc hay được sử dụng là Aspirin, Clopidogrel (Plavix).

– Chống lại các yếu tố nguy cơ tim mạch bởi chế độ ăn, tập luyện và sử dụng thuốc hợp lý với hy vọng làm ổn định tổn thương.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp hẹp ĐM cảnh trên 70%, khuyến cáo bóc nội mạc động mạch cảnh trong. Lợi ích của phẫu thuật là rõ ràng, nó được khẳng định bởi những nghiên cứu lớn ở châu Âu và Mỹ, nó làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não 80% với những trường hợp hẹp có triệu chứng và 50% với những trường hợp không có triệu chứng.

Capture

Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh

Quá trình phẫu thuật diễn ra như thế nào?

– Bệnh nhân được gây mê toàn thân.

– Phẫu thuật viên sau khi rạch da 4-5cm mặt bên cổ, phẫu tích các động mạch cảnh chung, tròn, ngoài. Nâng huyết áp tối đa 140-150 mmHg

– Tiêm thuốc chống đông vào tĩnh mạch (Heparin)

–  Cặp động mạch cảnh, một số trường hợp cần phải chuyển dòng nuôi não tạm thời (shunt).

– Bóc nội mạc ĐM cảnh là việc làm sạch mảng xơ vữa, sau đó khâu lại trực tiếp hoặc đóng lại với một miếng vá nhân tạo để mở rộng động mạch

– Đường mổ được đặt 1 dẫn lưu hút áp lực âm.

– Trong một vài trường hợp, có thể cần thiết thay đoạn mạch bằng đoạn mạch nhân tạo.

– Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 45 phút đến 75 phút. Theo dõi sau mổ được thực hiện ở phòng hồi tỉnh.

– Thời gian nằm viện thay đổi tùy theo tình trạng bệnh nhân trước mổ và quá trình sau mổ. Trung bình khoảng 3-7 ngày.

– Tiên lượng xa, kết quả phẫu thuật nói chung là tốt, tuy nhiên vẫn có nguy cơ xuất hiện lại hẹp. Sự tái hẹp này liên quan đến quá trình tạo sẹo động mạch gây nên hẹp tiến triển. Nguy cơ này đạt tối đa khoảng 1 năm sau mổ, khi việc sử dụng thuốc và phòng ngừa không tốt.

Những biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật

Trong quá trình mổ:

+ Các tổn thương thần kinh ngoại vi: Trong đa số các trường hợp, người ta đề cập tới sự đụng dập thần kinh liên quan đến sự tách các thành phần khi phẫu tích quanh động mạch. Nó gây rối loạn dẫn truyền và đa số sẽ phục hồi trong vài tuần.

. Tổn thương các dây thần kinh cảm giác vùng cổ thường gặp, biểu hiện bởi sự mất hoặc giảm cảm giác vùng cằm hay một vùng của mắt.

. Tổn thương nhánh cằm của thần kinh mặt dẫn đến mất đối xứng khuôn mặt với miệng bị méo.

. Tổn thương dây thần kinh thanh quản gây nên rối loạn phát âm

. Tổn thương dây thần kinh sọ số 12 dẫn đến mất cảm giác lưỡi, gây ruối loạn động tác nhai và nuốt.

+ Tai biến mạch máu não: liên quan với một sự chịu đựng kém của não với việc ngừng đột ngột dòng máu nuôi não, do cục huyết khối trong quá trình phẫu tích mạch máu hay trong quá trình khôi phục lại tuần hoàn.

+ Tai biến do gây mê cũng không thể loại trừ.

Trong quá trình theo dõi hậu phẫu sớm:

+ Máu tụ vùng cổ: Do việc sử dụng thuốc chống đông và sức ép do THA. Biểu hiện bởi một khối đau vùng cổ và khó thở. Có thể cần phải can thiệp ngoại khoa lại.

+ Tai biến mạch máu não: liên quan đến huyết khối bắn lên não, cần thiết thăm khám cấp cứu (CT, doppler) để quyết định phẫu thuật lại tùy theo tình huống. Hội chứng tái tưới máu não có thể kết hợp với phù hoặc chảy máu trong sọ rất hiếm gặp nhưng rất nặng. Nguy cơ thần kinh thực sự dưới 3%.

Đau do sẹo: hiếm gặp và thường liên quan đến u thần kinh ở một nhánh đám rối cổ nông.

Can thiệp đặt stent động mạch cảnh

– Chỉ định trong những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật hoặc toàn trạng bệnh nhân có nhiều nguy cơ trong phẫu thuật hay bệnh lý phức tạp (Như hẹp động mạch cảnh sau xạ trị vùng cổ, tái hẹp sau phẫu thuật).

– Việc quyết định can thiệp nội mạch phải được hội chẩn đa chuyên khoa: phẫu thuật mạch máu, tim mạch, gây mê, thần kinh,….

Phẫu thuật và điều trị bệnh lý hẹp động mạch cảnh ở đâu?

– Có rất nhiều lý do để chọn lựa một cơ sở khám chữa bệnh như: Uy tín, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, cơ sở vật chất, giá dịch vụ y tế…

– Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ sẽ là lựa chọn rất tốt cho bạn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo chuyên sâu, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật mạch máu, cơ sở vật chất và các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp…

– Hãy gọi cho chúng tôi theo số điện hotline: 1800 888 989 để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.

Trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe quý vị

BSNT.Dương Xuân Phương – Phó trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện