Tìm hiểu về hội chứng kênh Guyon

Teo cơ bàn tay kèm theo tê bì là các triệu chứng có thể gặp trong nhiều hội chứng bệnh và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Không giống như hội chứng ống cổ tay, teo cơ bàn tay do hội chứng kênh Guyon ít phổ biến hơn nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị phù hợp cho người bệnh thì bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chức năng của bàn tay, gây cản trở trong sinh hoạt hàng ngày.

1. Hội chứng kênh Guyon là gì?

Kênh Guyon trong cơ thể là kênh chạy dọc mép dưới của bàn tay hướng về phía ngón út và dây thần kinh dây trụ. Ở giữa kênh, dây thần kinh trụ sẽ tách ra thành hai nhánh:

  • Nhóm nhánh nông: Sau khi tách nhánh chi phối cho cơ gan tay ngắn sẽ chi phối cảm giác ngón IV, V;
  • Nhóm nhánh sâu: Được tách ra thành một nhánh chi phối cho cơ ở vị trí ô mô út rồi đi vòng ra phía ngoài để chi phối cho các cơ giun, cơ liên cốt mu tay, gan tay và nhánh tận cùng chi phối cho cơ liên cốt mu tay I.

Trong trường hợp dây thần kinh trụ bị chèn ép tại kênh Guyon sẽ gây các biểu hiện tê bì tay hoặc teo cơ bàn tay trên lâm sàng. Triệu chứng tê bì tay và teo cơ bàn tay sẽ tùy theo từng vị trí bị chèn ép. Vì vậy hội chứng kênh Guyon được gọi là bệnh chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay.

2. Nguyên nhân, triệu chứng hội chứng kênh Guyon

Những nguyên nhân chủ yếu gây hội chứng kênh Guyon là do chấn thương vùng cổ tay, người phải vận động cổ tay thường xuyên hoặc gan tay bị đè ép nhiều. Ngoài ra, người bệnh có thể bị teo cơ bàn tay do hội chứng kênh Guyon do các bệnh lý xương khớp ở cổ tay, hạch chèn ép hoặc bệnh lý mạch máu…

Triệu chứng lâm sàng của hội chứng kênh Guyon xuất hiện tùy thuộc vào vị trí chèn ép của dây thần kinh trụ trong kênh, có 3 vùng tổn thương tương ứng với các biểu hiện lâm sàng:

– Vùng 1: Chèn ép thân dây trụ, bệnh nhân bị giảm cảm giác ở ngón V và nửa ngón IV, yếu và teo các cơ ô mô út và liên cốt. Không giảm cảm giác mu tay vì nhánh da trụ mu tay (dorsal ulnar cutaneous nerve) tách khỏi dây trụ ở phía trên của kênh Guyon. Nếu tổn thương nặng, có triệu chứng bàn tay vuốt trụ (ulnar claw hand).
– Vùng 2: Nhánh sâu của dây trụ bị chèn ép ở gần cuối kênh Guyon, sát với móc của xương móc. Cảm giác bình thường, cử động bàn tay giảm độ khéo léo và không thể dạng các ngón tay. Có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ nếu bệnh nặng. Vùng 2 là kiểu thường gặp nhất của hội chứng kênh Guyon.

– Vùng 3: chỉ tổn thương nhánh nông của dây trụ, vị trí ở chỗ gần hết kênh Guyon. Giảm cảm giác các ngón 4 và 5. Các cơ nhỏ bàn tay không bị. Vùng 3 là kiểu ít gặp nhất.

a1 2

Hình ảnh các vùng tổn thương của dây thần kinh trụ ở cổ tay

3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng kênh Guyon

Việc chẩn đoán hội chứng kênh Guyon chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng thần kinh, chẩn đoán điện cơ để giúp xác định khu vực tổn thương, đánh giá mức độ bệnh và theo dõi việc điều trị. Chụp X quang xương cổ bàn tay, siêu âm, MRI… trong trường hợp cần thiết.

Các phương pháp chủ yếu dùng để điều trị teo cơ bàn tay do hội chứng kênh Guyon bao gồm:

– Điều trị bảo tồn: Với phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được bất động cổ tay, cố định cổ tay ở tư thế chức năng kết hợp vật lý trị liệu và sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm, tiêm steroid tại chỗ.

– Phẫu thuật: Khi điều trị bảo tồn không cho hiệu quả, người bệnh có thể phải phẫu thuật để giải phóng chèn ép của dây thần kinh trụ ở cổ tay. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật teo cơ bàn tay có thể gây ra biến chứng như tăng cảm lòng bàn tay, tê bì tay lâu ngày hoặc nhiễm trùng.

4. Trong một trường hợp lâm sàng Guyon

Bệnh nhân nam 24 tuổi

Tiền sử: Chơi thể thao đá bóng, có chấn thương nhưng không rõ hoàn cảnh

Bệnh nhân phát hiện tê bì, giảm cảm giác cổ bàn tay bên trái, lan lên đến nửa cẳng tay bờ trụ khoảng 1 năm nay, tê bì chủ yếu ngón 5, nửa ngón 4.

Càng về sau xuất hiện tê nhiều, cầm nắm đồ vật yếu, không có lực, thi thoảng xuất hiện co thắt gân gấp bàn tay. Đặc biệt xuất hiện teo cơ ô mô út, cơ giun ngón 4, 5

Capture 1

Cận lâm sàng: Điện chẩn cơ thần kinh: Giảm dẫn truyền cảm giác dây thần kinh trụ đoạn cổ tay

Bệnh nhân được chẩn đoán: Hội chứng Guyon cổ tay T vùng 1

Bệnh nhân được phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh trụ đoạn kênh Guyon

Sau mổ bệnh nhân bớt tê bì bàn tay hơn,cầm nắm vật có lực hơn, cường độ co rút cơ cùng giảm, vết mổ khô. Tuy nhiên triệu chứng teo cơ cải thiện không đáng kể.

a2 2

Khuyến cáo: Bất kì ai khi gặp vấn đề về tê bì, giảm cảm giác cổ bàn tay, yếu cơ lực bàn tay phải thăm khám càng sớm càng tốt tại cơ sở chuyên khoa. Để càng lâu, khi triệu chứng tê bì lâu ngày, gây nên teo cơ bàn tay, khả năng phục hồi rất khó khăn.

Ths.Bs Vũ Ngọc Hưng – Khoa Chấn thương II

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện