Các thói quen tốt cho thận

Thận giữ nhiệm vụ lọc và đào thải những chất cặn bã trong cơ thể, do đó, việc bảo vệ bộ phận này rất quan trọng.

Vậy “Làm gì để tốt cho thận? là câu hỏi rất thiết thực được nhiều người quan tâm.

Tập thể dục thường xuyên giúp thận bạn khỏe hơn
Tập thể dục thường xuyên giúp thận bạn khỏe hơn

1.Hoạt động thể chất, tập thể dục mỗi ngày:

Hoạt động thể chất là một cách giúp tăng cường sức khỏe, giảm huyết áp và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Vận động để bảo vệ thận và tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh phù hợp với thể lực của bạn như chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông…để duy trì sự năng động của cơ thể, đồng thời đào thải các chất độc ra bên ngoài bằng mồ hôi, đường tiểu.

2. Ăn uống lành mạnh:

Ăn uống lành mạnh giúp giảm huyết áp, phòng tránh bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và các rối loạn khác liên quan bệnh thận mạn. Ăn uống lành mạnh là bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm đủ năng lượng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế bột đường và muối mặn.

Đặc biệt, bạn nên duy trì lượng muối tiêu thụ hàng ngày ở mức không quá 6 g/ngày, tương đương một muỗng cà phê gạt ngang. Bạn cũng nên hạn chế đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, khô, mắm… để giảm bớt muối hàng ngày.

3.Kiểm soát lượng đường trong máu:

Khoảng một nửa số bệnh nhân tiểu đường có diễn biến tổn thương thận, vì vậy việc thường xuyên xét nghiệm kiểm tra chức năng thận là rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Nếu được phát hiện sớm có thể làm giảm hoặc ngăn chặn tổn thương thận do tiểu đường. Kiểm soát lượng đường trong máu là một cách hiệu quả giúp bảo vệ thận đồng thời tránh xa các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, béo phì, ung thư.

Uống nước hàng ngày để bảo vệ thận
Uống nước hàng ngày để bảo vệ thận

4.Uống đủ nước hằng ngày:

Thiếu nước là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang… Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần 1,5-2l nước để duy trì hoạt động của cơ thể, đào thải độc tố, giảm nguy cơ phát bệnh thận mãn tính. Tuy nhiên, không phải cứ uống càng nhiều càng tốt vì thói quen này có thể gây hại ngược lại cho thận; lượng nước cần thiết cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm giới tính, tập thể thao, khí hậu, tình trạng sức khỏe, mang thai và cho con bú… Ngoài ra, bệnh nhân  bị sỏi thận nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày để giảm bớt nguy cơ hình thành sỏi mới.

5 .Kiểm soát tốt huyết áp:

Khoảng 50% bệnh nhân huyết áp cao nhưng không có triệu chứng rõ ràng, càng để lâu, nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận càng lớn. Điều này đặc biệt quan trọng với người trên 40 tuổi.

Tăng huyết áp đi kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu sẽ làm tổn thương thận nặng hơn, bệnh nhân cũng dễ mắc các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

6 .Không hút thuốc lá:

Thuốc lá có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, làm thận tổn thương và hoạt động kém hiệu quả. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận lên gấp 1,5 lần so với người không hút thuốc lá.

7.Không sử dụng thuốc tùy ý:

Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc bừa bãi mà không thông qua bác sĩ kê đơn. Điều này có thể khiến gan, thận bị tổn thương. Thuốc chống viêm không steroid hay dùng như ibuprofen có thể gây ra tổn thương thận và bệnh thận nếu uống thường xuyên. Các trường hợp bị đau mạn tính như viêm khớp, đau lưng…nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau không hại gan thận.

8 .Kiểm tra chức năng thận:

Nếu bạn có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận… cần khám định kỳ thường xuyên và kiểm tra chức năng thận.

 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện