Túi thừa đại tràng là những túi nhỏ phình ra ở thành đại tràng, khi những túi này bị viêm hay nhiễm trùng thì gọi là viêm túi thừa.
Túi thừa đại tràng thường không gây triệu trứng và chỉ gây triệu chứng khi nó bị viêm. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác đau bụng, đầy bụng, có thể ấn đau vùng hố chậu trái, kèm theo ớn lạnh, sốt nhẹ.
Nguyên nhân của bệnh túi thừa chưa được rõ, người ta cho rằng nó được hình thành khi áp suất cao trong lòng đại tràng đẩy vào các điểm yếu trong thành đại tràng, vị trí các túi thừa thường gặp là ở đại tràng sigma.
Túi thừa đại tràng rất phổ biến tuy nhiên hầu như mọi người đều không biết được rằng mình có túi thừa. Có khoảng 50% số người trên 60 tuổi có bệnh túi thừa đại tràng, nhưng chỉ có 10-25% trong số đó bị viêm túi thừa, tình trạng viêm xảy ra khi những túi thừa bị nghẽn bởi phân làm tạo ra tổn thương ở thành ruột và nhiễm trùng.
Khi các tổn thương xảy ra ở giữa túi thừa và mạch máu có thể gây xuất huyết, xuất hiện máu trong phân và thường kèm theo hiện tượng đau bụng, đa số các trường hợp chảy máu tự cầm, tuy nhiên có một số trường hợp xuất huyết nặng cần phải truyền máu và điều trị bằng phẫu thuật.
-
Triệu chứng của túi thừa đại tràng
Túi thừa đại tràng thường phát hiện một cách tình cờ qua nội soi đại tràng.
Hình 1: Qua nội soi đại tràng phát hiện nhiều túi thừa kích thước khác nhau ( hình A), chảy máu túi thừa ( mũi tên đen , hình B), viêm túi thừa ( hình C)
Viêm túi thừa đại tràng trên lâm sàng bệnh nhân có thể có các triệu chứng: Đau bụng âm ỉ liên tục vị trí đại tràng trái, phải,đaị tràng ngang, sốt; lâm sàng sờ bụng có phản ứng. Nếu dựa vào lâm sàng không thì tỷ lệ chẩn đoán nhầm 50% các trường hợp.
Chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng. CT scanner được khuyến cáo là first- line giúp chẩn đoán viêm túi thừa, siêu âm, MRI có thể là công cụ thay thế.
Hình 2: Túi thừa đại tràng ( hình mũi tến trắng) rất nhiều túi thừa trong lòng có sỏi phân nhưng không gây viêm.
Hình 3: Viêm túi thừa đại tràng sigma cấp. Trên CT scanner thấy đại tràng sigma có hình ảnh túi khí đen ( hình ảnh túi thừa) , có thâm nhiễm mỡ ( mũi tên vàng) thể hiện viêm túi thừa.
Hình 4: Hình ảnh viêm túi thừa đaị tràng trên siêu âm, hình ảnh mất liên tục thành đại tràng có thâm nhiễm mỡ xung quanh ( mũi tên), d: túi thừa , m: mạc nối phì đại
Hình 5: Phân loại Hinckey với viêm túi thừa đại tràng vỡ.
Giai đọan I: Áp xe quanh ruột ( hình a), giai đoạn II : Áp xe khung chậu ( hình b), giai đoạn III : viêm mủ có viêm phúc mạc ( hình c), giai đoạn IV viêm phúc mạc do phân ( hình d)
2. Điều trị túi thừa đại tràng
2.1. Điều trị nội khoa
– Với viêm túi thừa đại tràng không biến chứng không dùng thường quy kháng sinh, chỉ dùng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc có nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng không biến chứng không có nhiễm khuẩn huyết hoặc suy giảm miễn dịch có thể điều trị ngoại trú.
– Với viếm túi thừa đại tràng có biến chứng cần dùng kháng sinh.
– Chế độ nghỉ ngơi : Bệnh nhân viêm túi thừa cấp có thể thực hiện chế độ nghỉ ngơi tại giường, chế độ ăn giàu chất xơ nên được khuyến cáo, các thuốc ( mesalazin,rifaximin, probiotic) khuyến cáo sử dụng để ngăn chặn viêm túi thừa tái diễn sau khi điều trị đợt cấp ổn định.
– Với bệnh nhân đã điều trị đợt cấp ổn định nên kiểm tra nội soi đại tràng ít nhất 6 tuần sau đó ( nếu bệnh nhân không được soi trong vòng 3 năm trước đó)
2.2. Điều trị ngoại khoa
Với trường hợp bệnh nhân có khí ngoài thành ruột ( biến chứng thủng) thì có chỉ định mổ cấp cứu ( ngay cả khi bệnh nhân có nhiễm khuẩn huyết hoặc tình trạng tuần hoàn chưa ổn định).
– Với trường hợp viêm phúc mạc do phân ( Hinchey IV) cần phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, việc lựa chọn mổ mở hay mổ nội soi phụ thuộc vào kinh nghiệm phẫu thuật viên.
– Với một số trường hợp Hinchey III, có thể mổ nội soi kết hợp lau rửa ổ bụng. Thay thế là cắt đoạn ruột.
– Phẫu thuật ngăn ngừa biến chứng không được chỉ định.
– Rò hoặc tái diễn áp xe nên được điều trị mổ nội soi hoặc mổ mở cắt đoạn ruột.
Chưa có bằng chứng về khả năng gây viêm túi thừa của các loại hạt, tuy nhiên một số bệnh nhân nếu có dấu hiệu khởi phát viêm túi thừa sau khi ăn các loại hạt thì không nên tiếp tục ăn mà nên thay bằng thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu.
Hiệp hội các chuyên gia về dinh dưỡng Hoa kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ nên ăn khoảng 25 gam chất xơ và nam giới khoảng 38 gam chất xơ mỗi ngày. Bên cạnh đó việc uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên cũng có hiệu quả.
3. Tóm lại
Túi thừa đại tràng là một bệnh lý thường gặp và không nguy hiểm trừ khi có biến chứng. Mặc dù chưa có biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh nhưng có thể hạn chế sự hình thành túi thừa và biến chứng của túi thừa bằng cách ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên.