Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto, 4 điều bạn cần hiểu về nó?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể có nhiệm vụ là sản xuất hormon tham gia vào quá trình chuyển hóa. Tuy nhiên, có lúc chính cơ thể của chúng ta lại chống lại tuyến giáp của mình dẫn đến tình trạng viêm tuyến giáp mạn tính. Để biết thêm về mặt bệnh này, mời bạn đọc tham khảo cùng bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

  1. Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính là gì?

Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto hay còn được gọi là viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính, viêm tuyến giáp lympho tự miễn là tình trạng tuyến giáp bị tổn thương gây cản trở quá trình sản xuất hormone tham gia chuyển hóa. Do đó dẫn đến hoạt động của các cơ quan bị rối loạn. Trường hợp này là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể thực hiện chức năng bảo vệ nhưng nhận dạng nhầm và tấn công tuyến giáp, làm giảm khả năng sản xuất các hormone như T3, T4.

Phần tuyến giáp ở cổ thường chịu tác động của hệ miễn dịch gây nên bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto (ảnh st)
Phần tuyến giáp ở cổ thường chịu tác động của hệ miễn dịch gây nên bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto (ảnh st)

Bệnh Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto được mô tả lần đầu tiên vào năm 1912 và đến năm 1957, Doniach đã tìm thấy các kháng thể chống lại tế bào tuyến giáp trong máu của người bệnh. Theo một nghiên cứu tại trung tâm San Francisco cho biết những phụ nữ ở độ tuổi sau 30 mắc phải bệnh viêm tuyến giáp mạn tính khá phổ biến và cao hơn so với nam giới. Nghiên cứu cho thấy cứ trong 1000 người thì có 1 – 1,5 người mắc bệnh và con số này có xu hướng tăng mỗi năm.

  1. Cơ chế gây bệnh Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto .

Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính là tình trạng rối loạn tự miễn dịch. Các kháng thể kháng tuyến giáp do hệ miễn dịch sản sinh ra bao gồm: Kháng thể kháng Microsome, kháng thể kháng Thyroglobulin, kháng thể kháng Peroxidase,… chúng gây ra các tổn thương và phá hủy dần các nhu mô, tế bào của tuyến giáp.

20200728 viem tuyen giap man tinh 2
Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto xuất phát từ sự nhầm lẫn của cơ chế miễn dịch kháng nguyên – kháng thể (ảnh st)

 

  1. Cách nhận biết được bệnh viêm tuyến giáp mạn tính?

Hầu hết các người bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto đều không có triệu chứng rõ ràng, do đó phải đặc biệt chú ý thì mới có thể nhận ra. Dấu hiệu mà bạn hay bỏ qua vì nghĩ xuất phát từ những áp lực trong cuộc sống là mệt mỏi, căng thẳng đột ngột hay gặp một số vấn đề về trí nhớ. Bạn cần theo dõi tần suất xuất hiện của những biểu biểu hiện này? Có dày đặc và thời gian kéo dài bao lâu? Không nên chủ quan và lơ là nếu nó thật sự làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến bạn ngày càng tồi tệ hơn.

Ngoài ra, một số dấu hiệu của bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto như:

  • Tóc rụng nhiều, có những mảng hói xuất hiện và ít thấy tóc con mọc ra.
  • Da và niêm mạc khô, nhợt nhạt, nhăn nheo, móng tay yếu, dễ gãy.
  • Hay bị mất tập trung, trí nhớ giảm, nhiều khi có cảm giác đau đầu.
  • Rối loạn tiêu hóa, dễ bị đầy bụng và hay bị táo bón.
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đau bụng nhiều, kinh nguyệt ra nhiều, màu máu kinh thất thường, thường bị rong kinh.
  • Tăng cân một cách bất thường, khó kiểm soát mà không rõ nguyên nhân.
  1. Cách điều trị bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto

Người bệnh khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm tuyến giáp mạn tính không nên quá lo lắng mà hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định tình trạng, tuân thủ đúng hướng dẫn trong suốt quá trình điều trị.

an gi de tuyen giap khoe manh hon11535171047
Nên khám định kỳ theo lời dặn của các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để theo dõi sức khỏe của mình. (ảnh st)

Các phương pháp hiện đại điều trị bệnh hiện nay bao gồm: 

  • Dùng hormon thay thế;

Hormone thay thế được sử dụng trong các trường hợp Hashimoto gây ra tình trạng suy giáp. Thuốc được kê toa là Levothyroxin có tác dụng bù đắp cho tình trạng suy nhược tuyến giáp. Đồng thời cũng có tác dụng làm cho bướu nhỏ lại. Các hormon thường được sử dụng trong thời gian dài từ 3 – 6 tháng để theo dõi diễn biến kích thước của bướu có nhỏ đi hay không. Nếu suy giáp thể hiện rõ ràng thì hormone sẽ được chỉ định sử dụng kéo dài.

  • Sử dụng Corticoid; 

Các thuốc kháng viêm không steroid hay prednisolon sẽ được chỉ định dùng khi bướu giáp phát triển nhanh. Tuy nhiên các loại thuốc này phải có sự chỉ định từ bác sĩ bởi nó có thể làm tổn hại đến niêm mạc dạ dày và để lại nhiều tác dụng phụ khác nếu sử dụng liều cao hay trong thời gian dài.

  • Phẫu thuật;

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bướu giáp to gây chèn ép hoặc khiến người bệnh ảnh hưởng tâm lý, tự ti khi bướu to nằm ở cổ. Các trường hợp sử dụng thuốc không có tác dụng cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần bướu khu trú hay mô tuyến giáp bị tổn thương. Ngoài ra còn có thể cắt bỏ phần eo giữa hai thùy của tuyến giáp để tránh gây chèn ép khí quản.

Những người bệnh bị viêm tuyến giáp mạn tính cần phải xác định chung sống với bệnh cả đời bởi tất cả các phương pháp đều không có tác dụng điều trị triệt để bệnh. Tuy nhiên không phải vì thế mà bạn trở nên bi quan. Việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ cùng với một chế độ làm việc, sinh hoạt khoa học, điều độ sẽ giúp bạn sống yên bình với bệnh mà không có bất kỳ nguy hiểm nào. Điều quan trọng bạn nên làm là khám định kỳ theo lời dặn của các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để theo dõi sức khỏe của mình.

 

Hãy để chúng tôi chăm sóc sức khỏe của bạn và gia đình

Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ:

Khoa Nội tiết- Đái tháo đường -Tầng 7, Nhà D, BVĐK tỉnh Phú Thọ,

Hotline:  02106542090 / 1800888989 (miễn phí cước gọi)

BS Nguyễn Đức Huyên – Cao Thủy

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật