Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Biết được cách sơ cứu người bệnh nhồi máu cơ tim đúng cách giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch, tăng khả năng cứu sống người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết người bệnh bị nhồi máu cơ tim
Người bệnh nhồi máu cơ tim được phát hiện càng sớm, cấp cứu y tế chính xác và kịp thời chính là yếu tố quan trọng nhất để người bệnh được cứu sống và hồi phục sức khỏe tốt nhất. Dấu hiệu nhận biết điển hình nhất của cơn nhồi máu cơ tim cấp là khó thở và đau ngực.
Triệu chứng đau thắt ngực rất rõ ràng, cảm giác như bị bóp nghẹt cùng với khó thở khiến người bệnh đau đớn, quằn quại hoặc nằm gục.
Đồng thời, các triệu chứng nhồi máu cơ tim khác tương đối đa dạng và không phải người bệnh nào cũng gặp phải như:
- Khó thở
- Tức nặng ngực
- Đổ mồ hôi lạnh
- Nhịp tim đập nhanh
- Choáng váng, chóng mặt đột ngột
- Buồn nôn và nôn
- Đau lan ra ngực, lưng, hàm và các khu vực khác của nửa trên cơ thể.
Sau thời gian khoảng 20 phút không được cấp máu và oxy, tế bào cơ tim có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Vì vậy thời gian cấp cứu y tế là rất quan trọng, quyết định người bệnh có được cứu sống và có thể gặp biến chứng sức khỏe sau này hay không.
Cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim tại nhà
Trước sự nguy hiểm của cơn nhồi máu cơ tim, khi thấy người bệnh có biểu hiện đau thắt ngực cần phải được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị khẩn cấp. Tuy nhiên, trong lúc đợi xe cấp cứu, người nhà của người bệnh nên có cách sơ cứu nhồi máu cơ tim tạm thời để người bệnh có thể vượt qua cơn nguy cấp và bảo toàn được tính mạng.
Với người bệnh nhồi máu cơ tim, thời gian là yếu tố quan trọng nhất quyết định sinh mạng của người bệnh. Thời gian để xử trí sơ cứu nhồi máu cơ tim hiệu quả nhất là trong vòng 2 giờ kể từ khi cơn đau thắt ngực xảy ra.
Dưới đây là cách sơ cứu người bệnh nhồi máu cơ tim đơn giản mà ai cũng cần biết:
Đối với bản thân người bệnh
- Phải dừng ngay mọi công việc đang làm, ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi (co đầu gối, nằm nghiêng 75 độ so với mặt đất).
- Thả lỏng phần vai và hai cánh tay, nhắm mắt lại và hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu, không nín hơi để tránh bị căng thẳng và tim bị mệt.
- Cởi bỏ bớt áo khoác ngoài, nới rộng cà vạt, khăn quàng cổ (nếu có).
- Uống 1 liều thuốc trị đau thắt ngực theo đơn của bác sĩ. Nếu có sẵn thuốc mang theo bên người, nên dùng ngay viên ngậm dưới lưỡi Nitroglycerin hoặc xịt dưới lưỡi 2 lần Nitroglycerin dạng xịt trong khi chờ đợi xe cấp cứu. Nếu sau 5 phút mà cơn đau ngực vẫn chưa đỡ có thể dùng thêm một liều nữa.
- Nếu người bệnh được bác sĩ cho uống aspirin (thuốc chống kết tập tiểu cầu), người bệnh có thể nhai luôn một viên hoặc uống dạng sủi để phòng cục máu đông và nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị ngay, không nên để quá 15 phút.
Đối với người thân của người bệnh
- Khi quan sát nếu thấy người bệnh còn tỉnh, để người bệnh nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi ở nơi thoáng đãng, tránh nói to hay hỏi quá nhiều vì có thể làm cho người bệnh cảm thấy căng thẳng.
- Cho người bệnh uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Nếu người bệnh đã bất tỉnh, thực hiện theo 2 cách sau:
- Ép tim ngoài lồng ngực
Đặt người bệnh nằm trên 1 mặt phẳng cứng, quỳ gối phía bên trái của người bệnh. Sau đó chồng 2 bàn tay lên và đặt trước tim, dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống 1/3 lồng ngực rồi nới lỏng tay. Lặp lại liên tục động tác này 60 lần/phút để tăng co bóp tim.
- Hô hấp nhân tạo
Đặt người bệnh nằm ở nơi thoáng đãng, kiểm tra dị vật trong miệng, nới rộng quần áo, kê cao cổ để đầu hơi ngửa ra phía sau. Tiếp đó bịt mũi người bệnh rồi dùng miệng của mình lấy hơi và thổi vào miệng của người bệnh nhiều lần.
Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm đã cứu sống nhiều người bệnh nhồi máu cơ tim cấp, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình người bệnh.
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ
Tổng đài chăm sóc khách hàng
Nguồn tham khảo: How to spot and treat a heart attack