Giãn tĩnh mạch chi dưới nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Giãn tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng tĩnh mạch ngoại biên bị giãn ra, nổi rõ trên bề mặt da. Hệ thống tĩnh mạch ngoại biên bình thường sẽ bơm máu theo một chiều từ tĩnh mạch nông qua tĩnh mạch xuyên đến tĩnh mạch sâu rồi về tim. Máu lưu thông được là do sự co cơ và hệ thống van tĩnh mạch. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, các van này bị tổn thương bởi một áp lực lớn khiến cho máu đi theo chiều ngược lại so với tuần hoàn của nó. Áp lực tác động đến thành tĩnh mạch gây ra bệnh giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì ?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, cẳng chân thường xuyên có cảm giác tê rần, châm chích giống như kiến bò; da trở nên khô, nóng, thay đổi màu sắc, thường đen sậm và mỏng hơn so với da bình thường; thường xuyên bị chuột rút, cứng cẳng chân, nhất là vào ban đêm; trường hợp hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch và theo tĩnh mạch di chuyển đến phổi có thể gây ra các triệu chứng của thuyên tắc mạch phổi như đau tức ngực, khó thở, mạch nhanh suy hô hấp…

Tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe với bệnh suy giãn tĩnh mạch

Bác sĩ siêu âm mạch máu chi dưới cho người bệnh
Bác sĩ siêu âm mạch máu chi dưới cho người bệnh

Theo Ths.Bs. Nguyễn Thị Cẩm Bình –  Đơn vị Can thiệp tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khi các dấu hiệu của bệnh không được xử lý kịp thời có thể gây ra các biến chứng: Suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng to. Vào giai đoạn cuối, toàn bộ hệ thống tĩnh mạch bị trì trệ, hệ thống tuần hoàn ứ đọng, tĩnh mạch giãn to quá mức, gây rối loạn các dưỡng chất cung cấp đến da làm da đổi màu, thâm đen, mỏng, dễ bị tổn thương dẫn đến nhiễm trùng, các tế bào lở loét, khó điều trị. Trường hợp nặng nhất có thể dẫn đến tử vong do cục huyết khối trong tĩnh mạch di chuyển đến phổi gây tắc nghẽn động mạch phổi.

Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện, điều trị từ giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ tàn phế, tăng hiệu quả, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới thế nào?

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng keo sinh học Venaseal tại BVĐK tỉnh
Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng keo sinh học Venaseal tại BVĐK tỉnh

Hiện nay, Đơn vị Can thiệp tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ứng dụng các phương pháp trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới như: điều trị nội khoa, can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng có tần số Radio hoặc Laser (RF/Laser), keo sinh học và phẫu thuật. Từ đó, đã điều trị thành công cho rất nhiều người bệnh.

Điển hình, Đơn vị vừa can thiệp cho trường hợp Đ.V.X 61 tuổi trú tại Thanh Sơn – Phú Thọ bị suy tĩnh mạch chi dưới lâu năm. Tuy nhiên, người bệnh không bị đau nên không đi khám. Thời gian gần đây khi biến đổi sắc tố da quá nhiều, da trở nên đen, đau nhức chân nhiều người bệnh mới đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám. Người bệnh được chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới cấp độ 4. Ngay lập tức, người bệnh được can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng Laser; sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh của người bệnh thuyên giảm.

Phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Để phòng tránh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, theo Ths.Bs. Nguyễn Thị Cẩm Bình, chúng ta không nên mặc loại quần áo chật; hạn chế mang giày cao gót. Nằm, ngồi đúng tư thế:

Khi nằm nên kê chân lên cao hơn mức của tim 15-20 cm tạo thuận lợi cho máu về tim qua đường tĩnh mạch.

Ghế ngồi có chiều cao phù hợp để khi ngồi hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; cần tránh những tư thế ngồi gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân…

Nên tập thể dục thường xuyên, nếu phải đứng nhiều thì thỉnh thoảng nên chạy tại chỗ để giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch.

Tránh mang vác, khiêng xách nặng vì sẽ làm cho máu dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch càng bị quá tải.

Đối với người bị suy giãn tĩnh mạch nên đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin đồng thời có đủ chất xơ như trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc… để tránh bị táo bón; không nên để bị béo phì.

Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày (nhu cầu nước mỗi ngày cho cơ thể một người lớn là 2 lít nước). Khi có các triệu chứng như trên, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời./.

Nguồn tham khảo : Varicose veins – Symptoms and causes

Varicose veins – NHS

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện