Lún xẹp đốt sống – 1 số nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Lún xẹp đốt sống là tình trạng xảy ra khi tổn thương làm giảm chiều cao thân đốt sống từ đó dẫn tới đau vùng cột sống và hạn chế vận động. Vậy nguyên nhân gây ra lún xẹp đốt sống là gì? dấu hiệu và cách điều trị bệnh như thế nào? Dưới đây là những điều quan trọng cần biết về lún xẹp đốt sống mà bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ:

Lún xẹp đốt sống kẻ chủ mưu gây nên bệnh đau lưng
Lún xẹp đốt sống kẻ chủ mưu gây nên bệnh đau lưng

Lún xẹp đốt sống là gì?

Lún xẹp đốt sống là tình trạng xảy ra do đốt sống bị mất nước và mất độ dẻo dai dẫn đến giảm chiều cao thân đốt từ đó gây đau và hạn chế vận động. Bệnh do những nguyên nhân như loãng xương, ung thư di căn, u huyết quản thân đốt, chấn thương… trong đó, chủ yếu là do biến chứng của bệnh lý loãng xương.

Bệnh lún xẹp đốt sống thường gặp ở phụ nữ mãn kinh và tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi tác, bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh thường được phát hiện khi đã ở mức độ nặng và khó phát hiện do diễn biến của bệnh âm thầm, ít có triệu chứng hoặc có thể không có triệu chứng.

Nguyên nhân gây lún xẹp đốt sống?

Lún xẹp đốt sống xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân thường gặp như:

  • Loãng xương
    Đối tượng bị loãng xương nặng, các động tác đơn giản hàng ngày như hắt hơi mạnh, nâng một vật nhẹ làm tăng áp lực trong ổ bụng cũng có thể gây lún xẹp đốt sống. Ở những người loãng xương trung bình, với một lực chấn thương do té ngã nhẹ hoặc cố gắng nâng một vật nặng cũng gây nên tình trạng này.

Các chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo nguy cơ xẹp cột sống thứ phát đối với những người loãng xương nặng có nguy cơ cao gấp 5 lần so với những người chưa từng bị.

  • Chấn thương
    Lún xẹp đốt sống có thể gặp từ những ca chấn thương nặng như bị ngã cao, tai nạn giao thông, trong lúc chơi thể thao
  • Các bệnh lý khác
    Những người bị các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, các bệnh về nội tiết hoặc bị khối ung thư di căn vào xương cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng xẹp đốt sống.

Xẹp đốt sống do ung thư di căn không có tiền sử chấn thương thì xương cột sống là nơi “trú ngụ” của nhiều loại ung thư khác nhau. Các tế bào ung thư sẽ phá hủy một phần đốt sống, làm cho xương yếu dần cho đến khi bị xẹp.

Cần phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng lún xẹp đốt sống
Cần phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng lún xẹp đốt sống

Các vị trí đốt sống bị lún xẹp thường gặp.

Cột sống được chia làm 5 đoạn và có từ 32-34 đốt sống, bao gồm đốt sống cổ, đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng, xương cùng và xương cụt. Bệnh lún xẹp đốt sống thường gặp ở những vị trí sau:
• Xẹp đốt sống thắt lưng (L1-L3)
• Xẹp đốt sống cổ (C3-C6)
• Xẹp đốt sống ngực (D8-D12)

Triệu chứng của lún xẹp đốt sống?

Người bệnh bị lún xẹp đốt sống thường có biểu hiện chính là cảm giác đau và hạn chế vận động, cụ thể:
• Đau đột ngột và đau nhiều khi đứng hoặc đi lại, cơn đau sẽ giảm bớt lại khi nằm ngửa.
• Khả năng vận động của cột sống bị hạn chế.
• Chiều cao của cơ thể bị giảm xuống.
• Cột sống biến dạng gây tàn tật như gù, vẹo cột sống.

Khám lâm sàng khi ấn vùng cột sống có điểm đau nhói hay có thể gặp phải triệu chứng tê, yếu chân, đau theo rễ thần kinh liên sườn, rối loạn cơ tròn… nếu thần kinh bị chèn ép.

Biến chứng của lún xẹp đốt sống.

Lún xẹp đốt sống rất nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến độ cân bằng của cột sống, thúc đẩy nguy cơ thoái hóa. Ngoài ra, còn một số nguy cơ khác như đốt sống bị xẹp có thể gây chèn ép các cơ quan nội tạng, biến chứng tổn thương dây thần kinh, gây tê, đau nhức, nặng hơn là tàn phế.

Làm gì để phòng ngừa lún xẹp đốt sống?

Để phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng lún xẹp đốt sống cần lưu ý:

Đối với phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là ở giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh cần có chế độ dinh dưỡng, tập luyện một cách hợp lý, điều độ và khoa học. Nên bổ sung những thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất để giúp xương chắc khỏe.

Nên vận động và làm việc đúng tư thế. Duy trì những bài tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như: đạp xe đạp, yoga, bơi lội, đi bộ…

Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, không nên uống rượu bia, hút thuốc lá và các chất kích thích.

Không đứng hoặc ngồi quá lâu. Sau mỗi giờ làm việc, nên thay đổi tư thế, đi lại xung quanh,… để giảm áp lực cho cột sống.

Tránh các hoạt động nặng, quá sức. Nếu phải làm việc nặng, vận động mạnh, cần phải đeo dây an toàn để bảo vệ cột sống, hạn chế chấn thương cột sống.

Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần giúp tầm soát, phát hiện và điều trị sớm bệnh lý lún xẹp đốt sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Hotline: 1800 888 989 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện