Nấm phổi Aspergillus xâm lấn – 1 số điều cần biết

Nhân một trường hợp người bệnh mắc nấm phổi Aspergillus xâm lấn

Viêm phổi là bệnh lý thường gặp trong thực hành lâm sàng do nhiều nguyên nhân khác nhau: viêm phổi do vi khuẩn thông thường, viêm phổi do vi khuẩn không điển hình, viêm phổi do nấm,… Nấm phổi xâm lấn là bệnh lý không hiếm gặp, tuy nhiên có nhiều khó khăn trong chẩn đoán vì vậy thường bỏ sót.

Bệnh nhân nữ 59 tuổi tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường không dùng thuốc thường xuyên vào viện vì khó thở, khàn tiếng, sốt. Bệnh nhân nhân nhập viện trong tình trạng nặng, khó thở liên tục phải thở oxy hỗ trợ, xét nghiệm máu cho thấy chỉ số viêm tăng rất cao.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh phối hợp nhưng lâm sàng cải thiện chậm. Nội soi phế quản quan sát thấy trong lòng khí phế quản hai bên có rất nhiều giả mạc trắng, cứng, dễ chảy máu. Kết quả nuôi cấy dịch rửa phế quản khẳng định bệnh nhân mắc nấm phổi Aspergillus xâm lấn. Bệnh nhân được điều trị thuốc kháng nấm và ổn định ra viện sau đợt điều trị.

nấm phổi Aspergillus

NSPQ trước điều trị

nấm phổi Aspergillus

Nấm Aspergillus trên kính hiển vi

nấm phổi Aspergillus

NSPQ sau đợt điều trị

Nấm phổi Aspergillus là gì?

Nấm phổi Aspergillus là tình trạng viêm phổi do nhiếm nấm Aspergillus. Bệnh có thể diễn biến cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính, u nấm phổi. Trong đó nấm phổi Aspergillus xâm lấn là tình trạng nhiễm nấm cấp tính.  Loài nấm Aspergillus gây bệnh thường gặp nhất là Aspergillus fumigatus. Các bào tử nấm tồn tại khắp nơi trong khí quyển và môi trường sống của con người. Khi có yếu tố thuận lợi, các bào tử xâm nhập vào phổi của bệnh nhân và gây bệnh.

Yếu tố nguy cơ mắc nấm phổi Aspergillus xâm lấn

Bào tử nấm Aspergillus gặp ở khắp nơi trong khí quyển và chỉ gây bệnh khi có yếu tố thuận lợi. Đa số gặp ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh nhân có tổn thương cấu trúc của phổi:

  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch: bệnh máu ác tính, nhất là bệnh nhân có giảm bạch cầu hạt, bệnh nhân dùng các thuốc ức chế miễn dịch ( ghép tạng, ung thư, corticoid kéo dài,…)
  • Bệnh nhân có tổn thương cấu trúc phổi: lao phổi để lại di chứng hang lao, giãn phế quản, áp xe phổi,…
  • Bệnh nhân sống trong môi trường ẩm thấp, điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh,…

Triệu chứng nấm phổi Aspergillus xâm lấn

Nấm phổi Aspergillus là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do nấm. Vì vậy các triệu chứng hô hấp hay gặp là: ho khạc đờm nhiều, khó thở, khò khè, ho ra máu, sốt cao kéo dài. Các triệu chứng của bệnh khó phân biệt với các bệnh lý hô hấp khác. Vì vậy, cần nghi ngờ nấm phổi ở các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là khi bệnh không thuyên giảm dù đã dùng kháng sinh phù hợp.

Để chẩn đoán nấm phổi, cần lựa chọn các phương pháp vi sinh phù hợp. Chính vì vậy chẩn đoán thường muộn và dễ bỏ sót gây khó khăn cho điều trị sau này.

Tiên lượng nấm phổi Aspergillus xâm lấn

Nấm phổi Aspergillus xâm lấn là bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất cao. Tiên lượng bệnh thường nặng, dễ dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường mắc ở bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, mắc bệnh mạn tính, chính vì vậy điều trị càng khó khăn. Một nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ tử vong là do chẩn đoán thường khó khăn, mất thời gian xét nghiệm vì vậy điều trị thường muộn. Các nghiên cứu cho thấy điều trị càng muộn thì tỷ lệ tử vong càng cao. Dù được chẩn đoán thì các thuốc kháng nấm có nhiều tác dụng phụ trên gan thận cũng gây khó khăn cho điều trị

Dự phòng nấm phổi Aspergillus xâm lấn

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, ung thư,…
  • Sử dụng các thuốc chứa corticoid đúng chỉ định, liều lượng và thời gian
  • Điều trị bệnh lý phổi ổn định: giãn phế quản, lao phổi,…
  • Cần có môi trường sống trong sạch, thoáng mát, tránh ẩm mốc

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện