Rối Loạn Giấc Ngủ Và 1 Số Ứng Dụng Của Đo Đa Ký Giấc Ngủ Trên Lâm Sàng

Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến cuộc sống
Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến cuộc sống

I. CHẨN ĐOÁN MỘT SỐ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ

1. Mất ngủ không thực tổn 

* Theo ICD – 10: F51.0
Khi một người trưởng thành ngủ dưới 5 giờ/ngày thì gọi là ít ngủ, nếu thiếu ngủ hoàn toàn thì gọi là mất ngủ. Biểu hiện:
– Những than phiền khó đi vào giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém (ngủ không sâu giấc, trằn trọc, dễ thức giấc và khó ngủ trở lại hoặc là thức giấc sớm về buổi sáng).
– Rối loạn giấc ngủ xẩy ra ít nhất 3 lần trong tuần, trong thời gian ít nhất một tháng.
– Có sự bận tâm về giấc ngủ và sự lo lắng quá mức về hậu quả ban ngày và ban đêm của giấc ngủ.
– Số lượng và/hoặc chất lượng giấc ngủ không thỏa mãn gây ra sự đau khổ hoặc gây trở ngại trong hoạt động chuyên môn và xã hội (mệt mỏi, khó tập trung trong học tập, lao động, chất lượng công việc kém,…).

* Theo DSM – IV:
– Lời than phiền chủ yếu là khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ hoặc cảm thấy không thoải mái sau khi ngủ dậy, kéo dài ít nhất 1 tháng.
– Mất ngủ (hoặc mệt mỏi ban ngày do mất ngủ) là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu rõ rệt, ảnh hưởng xấu đến các chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác.
– Mất ngủ không xuất hiện trong phạm vi của bệnh ngủ ngáy, mất ngủ do hô hấp, rối loạn nhịp thức ngủ hàng ngày hoặc rối loạn cận giấc ngủ.
– Mất ngủ không phải là một triệu chứng của các bệnh tâm thần (trầm cảm, lo âu lan tỏa, sảng).
– Mất ngủ không phải do một chất (ma túy, thuốc) hoặc một bệnh thực tổn.

2. Ngủ nhiều cũng có thể do rối loạn giấc ngủ (F51.1)

* Theo ICD – 10:
Khi một người trưởng thành ngủ trên 10 giờ/ngày thì gọi là ngủ nhiều. Biểu hiện:
– Ngủ ban ngày quá mức hoặc các cơn buồn ngủ và ngủ không giải thích được. Mặc dầu ngủ nhiều nhưng khi thức dậy vẫn cảm thấy không thỏa mãn.
– Rối loạn giấc ngủ xẩy ra hàng ngày, trên một tháng hoặc những thời kư tái diễn ngắn hơn, gây đau buồn rõ rệt hoặc cản trở hoạt động xã hội và nghề nghiệp.
– Không có triệu chứng của phụ của chứng ngủ rũ (mất trương lực cơ, liệt khi ngủ) hoặc bằng chứng lâm sàng của ngừng thở (ngừng thở ban đêm, tiếng khịt mũi từng cơn điển hình,…)
– Không có bệnh lý về thần kinh, nội khoa mà trạng thái buồn ngủ ban ngày có thể là triệu chứng.

* Theo DSM – IV:
– Luôn than phiền ngủ quá nhiều trong vòng 1 tháng (ít hơn mếu tái phát) với những giấc ngủ kéo dài hoặc có nhiều giấc ngủ ngày diễn ra hầu như hàng ngày.
– Ngủ quá nhiều là nguyên nhân ảnh hưởng đến các chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác.
– Ngủ nhiều không phải là hậu quả của mất ngủ và không phải là một rối loạn giấc ngủ khác (ngủ lịm, rối loạn giấc ngủ do hô hấp, rối loạn nhịp thức ngủ hoặc rối loạn cận giấc ngủ).
– Ngủ nhiều không phải là do một bệnh tâm thần khác gây ra.
– Ngủ nhiều không phải là do một chất (thuốc hoặc ma túy) hoặc một bệnh cơ thể gây ra.

3. Rối loạn nhịp thức ngủ

* Theo ICD – 10: F51.2
Rối loạn nhịp thức ngủ được xác định là thiếu tính đồng bộ nhịp thức ngủ của cá nhân và nhịp thức ngủ mong muốn đối với môi trường, dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ nhiều. Tiêu chuẩn:
– Chu kỳ thức ngủ của cá nhân không đồng thời với nhịp thức ngủ ngày đêm bình thường.
– Mất ngủ trong thời gian ngủ chính và ngủ nhiều trong thời gian thức hàng ngày.
– Không thỏa mãn về số lượng, chất lượng và thơi gian ngủ từ đó gây đau buồn rõ rệt hoặc gây cản trở hoạt động xã hội nghề nghiệp.

* Theo DSM – IV:
– Rối loạn bền vững và tái diễn đối với giấc ngủ dẫn đến ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ, nguyên nhân là do rối loạn nhịp thức ngủ của người bệnh đối với môi trường bên ngoài.
– Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân gây ra các dấu hiệu lâm sàng rõ rệt làm tổn thương các chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác.
– Rối loạn không phải là các loại rối loạn giấc ngủ khác do các bệnh tâm thần khác gây ra.
– Rối loạn không phải là hậu quả trực tiếp của một chất (thuốc, ma túy) hoặc một bệnh thực tổn.

4. Chứng miên hành trong rối loạn giấc ngủ

* Theo ICD – 10: F51.3
Chứng miên hành là trạng thái ý thức biến đổi đặc biệt, trong đó hiện tượng ngủ và thức kết hợp với nhau. Trong cơn bệnh nhân ngồi dậy khỏi giường và đi lại, thường xảy ra vào 1/3 đầu giấc ngủ ban đêm, biểu hiện trạng thái nhận thức, tính phản ứng, và kỹ năng vận động ở mức thấp. Lúc thức và sáng hôm sau, bệnh nhân không nhớ lại được sự kiện này. Tiêu chuẩn:
– Triệu chứng ưu thế là một hoặc nhiều cơn đứng dậy, đi ra khỏi giường, đi lại thường xảy ra trong khoảng 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.
– Trong cơn bệnh nhân có bộ mặt ngây dại, cố định, không đáp ứng một cách tương đối với người khác muốn thay đổi trạng thái hoặc muốn tiếp xúc với họ, và khó khăn lắm mới thức tỉnh bệnh nhân được.
– Khi thức dậy hoặc sau cơn hoặc sáng hôm sau bệnh nhân không nhớ sự kiện này.
– Không có bằng chứng về một rối loạn tâm thần thực tổn hoặc bệnh cơ thể.

* Theo DSM – IV:
– Lặp lại các giai đoạn đứng dậy khỏi giường trong lúc ngủ và đi, thường xảy ra ở 1/3 đầu của giấc ngủ chính.
– Trong khi miên hành, bệnh nhân có nét mặt trống rỗng, mắt nhìn thẳng, không đáp ứng với các cố gắng của người khác nói chuyện với bệnh nhân. Có thể làm họ tỉnh giấc nhưng rất khó khăn.
– Khi thức dậy (sau giai đoạn miên hành hoặc sáng hôm sau) họ quên trong cơn.
– Trong phạm vi vài phút sau khi thức dậy từ miên hành, họ không có rối loạn hoạt động tâm thần và hành vi (mặc dù có thể có một thoáng lú lẫn hoặc rối loạn định hướng).
– Miên hành là nguyên nhân gây ra các dấu hiệu lâm sàng khó chịu hoặc tổn thương các chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác.
– Rối loạn không phải là hậu quả trực tiếp của một chất (ma túy, thuốc) hoặc một bệnh cơ thể.

5. Hoảng sợ khi ngủ cũng có thể là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ

* Theo ICD – 10: F51.4
Hoảng sợ khi ngủ hay hoảng sợ ban đêm là những cơn hoảng sợ và sợ hãi tột độ về ban đêm kết hợp với phát âm to, vận động nhanh, và có hoạt động thần kinh tự trị tăng cao. Bệnh nhân ngồi dậy và đứng dậy, kêu thét một cách sợ hãi, thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm, đôi khi lao ra cửa sổ như cố gắng chạy trốn. Lúc thức giấc bệnh nhân thường không nhớ những gì xảy ra.
Tiêu chuẩn:
– Một hoặc nhiều cơn thức giấc, bắt đầu bằng kêu thét, hoảng sợ, và đặc trưng bằng lo âu nhiều, tăng cử động cơ thể, tăng hoạt động thần kinh tự trị (mạch nhanh, thở gấp, đồng tử giãn, vã mồ hôi).
– Các cơn tái diễn điển hình kéo dài 1 – 10 phút và thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.
– Không có bằng chứng về bệnh cơ thể.

* Theo DSM – IV:
– Tái diễn các giai đoạn thức giấc đột ngột khi ngủ, thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ ban đêm, bắt đầu bằng tiếng thét hốt hoảng.
– Cường độ của hoảng sợ và các triệu chứng tự động như đánh trống ngực, thở nhanh nông, toát mồ hôi trong mỗi giai đoạn này là rất mạnh.
– Không đáp ứng với các cố gắng của người khác nhằm làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn trong các giai đoạn này.
– Bệnh nhân không nhớ lại các chi tiết của giấc mơ và quên các sự kiện xảy ra trong cơn.
– Các giai đoạn này gây ra các triệu chứng lam sàng khó chịu, ảnh hưởng đến các chức năng xã hội nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác.
– Rối loạn không phải là hậu quả trực tiếp của một chất (ma túy hoặc thuốc) hoặc một bệnh cơ thể.

6. Hiện tượng gặp Ác mộng trong rối loạn giấc ngủ

Ác mộng là những cảm nhận về giấc mơ đầy lo âu và sợ hãi, bệnh nhân nhớ lại rất chi tiết về nội dung giấc mơ. Trong cơn điển hình có hiện tượng rối loạn thần kinh tự trị, nhưng không có kêu thét hoặc vận động cơ thể.

* Theo ICD – 10: F51.5
– Bệnh nhân đang ngủ đêm hoặc ngủ trưa, thức dậy kể lại chi tiết và đầy đủ giấc ngủ giấc mơ đe dọa đến tính mạng, đến sự an toàn hoặc đến giá trị bản thân; thức giấc có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào, nhưng điển hình là nửa sau giấc ngủ đêm.
– Vào lúc thức giấc khỏi giấc mơ đe dọa, bệnh nhân nhanh chóng trở nên nhanh nhẹn và định hướng tốt.
– Bản thân nhận cảm giấc mơ, và rối loạn do hậu quả của giấc ngủ gây ra đau buồn rõ rệt cho người bệnh.

* Theo DSM – IV:
– Lặp lại các lần thức giấc đột ngột khi ngủ buổi tối hoặc khi chợp mắt, do bệnh nhân có những giấc mơ vô cùng hãi hùng mà họ vẫn nhớ được các chi tiết của giấc mơ. Nội dung giấc mơ thường là đe dọa an toàn của người bệnh. Sự thức giấc đột ngột này hay diễn ra vào nửa sau của giấc ngủ.
– Khi thức giấc đột ngột do các giấc mơ khủng khiếp, bênh nhân nhanh chóng định hướng được môi trường (ngược với rối loạn định hướng trong hoảng hốt trong đêm và một số thể của động kinh).
– Ác mộng không diễn ra trong phạm vi của các bệnh tâm thần khác (sảng, rối loạn stress sau sang chấn) và không phải là hậu quả lạm dụng một chất (ma túy, thuốc) hoặc của một bệnh cơ thể.

7. Ngủ lịm trong rối loạn giấc ngủ

* Theo DSM – IV:
– Có các cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại diễn ra hàng ngày, kéo dài ít nhất 3 tháng.
– Có một trong hai triệu chứng sau:
+ Mất trương lực cơ (hai bên, đột ngột)
+ Tái diễn cacs yếu tố của ngủ REM khi chuyển trạng thái từ ngủ sang thức, có các ảo giác lúc dở thức dở ngủ, hoặc ngủ liệt xuất hiện luc đầu và kết thúc giai đoạn ngủ.
– Rối loạn không phải là hậu quả trực tiếp của một chất (ma túy, thuốc) hoặc một bệnh thực tổn.

II. GHI ĐA KÝ GIẤC NGỦ

Đa ký giấc ngủ là một xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, có các kênh để đo điện não đồ, nhãn cầu đồ, điện cơ, điện tim, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, vận động cơ ngực, bụng, nồng độ oxy bão hòa trong máu, tiếng ngáy, xác định vị trí tư thế cơ thể, đo cử động chân, có video để theo dõi diễn biến trong đêm.

Nhờ vậy, đa ký giấc ngủ cung cấp được đầy đủ các thông tin về giấc ngủ cũng như các rối loạn khác xảy ra trong giấc ngủ như rối loạn hô hấp, ngừng thở khi ngủ, rối loạn nhịp tim, các bất thường về vận động và hành vi…

2B6A2456

III. ỨNG DỤNG CỦA GHI ĐA KÝ GIẤC NGỦ

Kết quả đa ký giấc ngủ là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là trong chẩn đoán hội chứng ngừng thở do tắc nghẽn khi ngủ. Đa ký giấc ngủ thường được chỉ định trong các trường hợp dưới đây:

Người bệnh đo đa ký giấc ngủ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Người bệnh đo đa ký giấc ngủ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

1. Rối loạn hô hấp trong khi ngủ

– Để chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ có hội chứng ngừng thở do tắc nghẽn khi ngủ. Bệnh nhân có biểu hiện ngáy to, có cơn ngừng thở lúc ngủ, buồn ngủ ban ngày không giải thích được, thường xảy ra trên người béo phì.

– Để cài đặt áp lực và theo dõi hiệu quả điều trị cho bệnh nhân bị ngừng thở do tắc nghẽn khi ngủ được điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục. Bệnh nhân có rối loạn hô hấp khi ngủ kết hợp với rối loạn cơ hô hấp, cơ thành ngực (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…).

– Rối loạn hô hấp khi ngủ kết hợp với các bệnh không thuộc nhóm hô hấp: suy tim tắc nghẽn, béo phì, suy giáp, bệnh lý thần kinh…

– Rối loạn hô hấp khi ngủ trong các bệnh nhân bị phẫu thuật do ngủ ngáy .

Chuyên gia nước ngoài trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên y tế Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ sử dụng máy đo đa ký giấc ngủ
Chuyên gia nước ngoài trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên y tế Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ sử dụng máy đo đa ký giấc ngủ

2. Rối loạn vận động và hành vi khi ngủ

3. Hội chứng chân không nghỉ và cử động chi có chu kỳ.

4. Rối loạn hành vi trong giai đoạn động mắt nhanh.

5. Rối loạn trong giai đoạn không động mắt nhanh : như mộng du, cơn hoảng sợ ban đêm, mê nói khi ngủ…

6. Chứng ngủ nhiều ban ngày không do rối loạn hô hấp

7. Cơn ngủ rũ

8. Các chứng ngủ nhiều ban ngày khác

9. Mất ngủ và các rối loạn khác do thiếu ngủ

10. Khi mất ngủ có thể do rối loạn hô hấp hoặc rối loạn vận động trong khi ngủ

11. Chỉ định trong một số trường hợp mất ngủ đặc biệt muốn đánh giá đầy đủ về bản chất của mất ngủ

12. Để chẩn đoán phân biệt giữa động kinh khi ngủ với các rối loạn vận động và hành vi trong khi ngủ.

Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý thần kinh như di chứng đột quỵ não, Parkinson, sa sút trí tuệ, đau thần kinh, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm…Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chính thức triển khai đo đa ký giấc ngủ ứng dụng điều trị các bệnh lý nói trên từ tháng 11/2022. 
Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm đi tham gia các khóa đào tạo bài bản sẽ góp phần từng bước nâng cao chẩn đoán và điều trị bệnh lý thần kinh phục vụ bà con trong tỉnh và lân cận.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện