Thiếu máu ảnh hưởng như thế nào đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính: tình trạng thiếu máu ảnh hưởng đến sức khỏe của nửa tỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 42% trẻ em dưới 5 tuổi và gần 40% phụ nữ mang thai trên thế giới.

Thiếu máu là tình trạng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em. Thiếu máu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy để nuôi dưỡng các mô và tổ chức của cơ thể. Ở người bình thường, thiếu máu kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm tập trung, chán ăn. Người bệnh sẽ có cảm giác tức ngực, khó thở nhất là khi gắng sức hoặc đi lại nhiều, hồi hộp, đánh trống ngực.

  1. Thiếu máu – hậu quả khó lường

Thiếu máu ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em. Với phụ nữ mang thai, thiếu máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân sản phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho em bé nếu không được điều trị kịp thời.

Hình ảnh Truyền máu do thiếu máu
Hình ảnh Truyền máu do thiếu máu

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị sẩy thai, bong nhau non, nhau tiền đạo, tăng huyết áp… Việc người mẹ thiếu máu khi mang thai có thể dẫn tới thai nhi chậm phát triển, nhẹ cân, sinh non. Do thiếu sắt làm ảnh hưởng hệ thống miễn dịch nên em bé dễ mắc các bệnh sơ sinh hơn. Nếu tình trạng thiếu máu xuất hiện sớm ở những tháng đầu của thay kỳ còn khiến trẻ có khả năng bị bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.

Ở trẻ em, thiếu máu là tình trạng khá phổ biến. Phần lớn trẻ em thường bị thiếu máu do thiếu sắt. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác, như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất. Đặc biệt, thiếu máu thiếu sắt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp thu của trẻ.

  1. Tại sao phụ nữ và trẻ em thường bị thiếu máu?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiếu máu nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu vi chất, chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu.

Phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt cao hơn để nuôi dưỡng thai nhi nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Ngoài ra, chúng ta còn gặp thiếu máu do thiếu acid folic và/hoặc  vitamin B12 . Bên cạnh đó, phụ nữ ăn kiêng không hợp lý hoặc quá gầy trước khi mang thai cũng có nhiều nguy cơ thiếu máu hơn.

Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em:

  • Do chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, ăn dặm thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Trẻ đẻ non, trẻ sinh thiếu cân, sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.
  • Do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, có dị dạng ở dạ dày ruột.
  • Do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì), loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột…
  • Ngoài ra, các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.
  • a2 2 1
    Hình ảnh người bệnh truyền máu do thiếu máu
  1. Phòng bệnh thiếu máu như thế nào?

Hiện nay, ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh thiếu máu do thiếu sắt hơn so với sự thiếu hụt vi các chất dinh dưỡng khác. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt cao hơn các đối tượng khác.

Phụ nữ nên thường xuyên bổ sung sắt theo khuyến cáo như sau:

  • Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.
  • Phụ nữ nên bổ sung 60mg sắt và 400 µg folic acid mỗi ngày trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.
  • Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai.

Thực hiện chế độ ăn cân đối, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu sắt, vitamin:

– Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng.

– Nên lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt như:

  • Các loại thịt có màu đỏ như: thịt bò, thịt bê, gan, tiết, thịt lợn, thịt gà tây…
  • Thủy hải sản: cá thu, cá hồi, nhóm nhuyễn thể có vỏ: hàu, sò, ốc…
  • Trứng: Trong trứng có đầy đủ các chất dinh dưỡng protein, lipid, glucid. Đặc biệt trong lòng đỏ của trứng còn có chứa một lượng đáng kể sắt, canxi, kẽm, vitamin A… Người lớn nên ăn 2 – 3 quả trứng/ tuần. Trẻ em có thể ăn 3-4 quả trứng/tuần.
  • Nhóm rau lá màu xanh đậm: Họ cải như rau cải chân vịt (cải bó xôi), cải xoong, súp lơ xanh…
  • Nhóm đậu, đỗ và các loại hạt: đậu hà lan, đậu tương, lạc, hạt điều, hạnh nhân…
  • Các loại quả chín, quả mọng: cherry, dâu tây, nho, việt quất, lựu… Các loại quả này không chỉ giàu sắt mà còn chứa nhiều vitamin C, giúp cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể và giúp tăng cường hấp thu sắt. Bạn cũng có thể uống các loại nước hoa quả giàu vitamin C như nước cam, chanh để giúp tăng hấp thu sắt.

– Không nên uống trà, cà phê ngay sau khi ăn vì sẽ dẫn đến giảm hấp thu sắt.

– Người bệnh thiếu máu thiếu sắt nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.

– Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt. Trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

– Duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ

Trung tâm Huyết học truyền máu –  Đơn vị Huyết học lâm sàng

Tầng 8 nhà C – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Số điện thoại của đơn vị  0865858667

Hoặc Tổng đài Chăm sóc khách hàng (24/7): 1800.888.98

Khoa Huyết học Lâm sàng – Bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ, sẽ giúp quý phụ huynh giải đáp mọi thắc mắc về bệnh lý Thiếu máu do thiếu sắt.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện