Ung thư bàng quang – 1 số điều cần biết

Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là một bệnh ung thư khá phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Globocan năm 2018, mỗi năm nước ta có hơn 1.500 ca mắc mới ung thư bàng quang, con số này ở năm 2020 là hơn 7.000 ca. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.

Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là cơ quan rỗng nằm ở bụng dưới, có chức năng chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi ra ngoài cơ thể qua niệu đạo. Ung thư bàng quang là một khối u ác tính khởi phát từ bàng quang, phổ biến nhất là từ các tế bào lót mặt trong của bàng quang.

Ung thư bàng quang được phân thành ba loại:

  • Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Ung thư phối hợp từ nhiều loại tế bào khác nhau.

Triệu chứng của ung thư bàng quang

Đa số người bệnh ung thư bàng quang đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu bệnh từ sớm là rất quan trọng. Sau đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh ung thư bàng quang:

  • Tiểu ra máu: Đây là triệu chứng điển hình của ung thư bàng quang. Nguyên nhân là do khối u trong bàng quang phát triển lớn dần gây chèn ép, làm tổn thương và chảy máu ở niêm mạc bàng quang. Những người bệnh có tổn thương lành tính hoặc bệnh lý khác cũng có thể tiểu ra máu, tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra ở người bệnh trên 40 tuổi và không rõ nguyên nhân thì khả năng cao là ung thư biểu mô đường niệu.
  • Khó tiểu, tiểu rắt, tiểu không tự chủ, nước tiểu có màu lạ: Khối u trong bàng quang lớn dần và chèn ép khu vực xung quanh gây những rối loạn về tiểu tiện cho người bệnh. Những dấu hiệu này thường xuất hiện từ sớm, trước khi tiểu ra máu. Do đó nếu bạn uống đủ nước và không mắc bệnh về đường tiết niệu khác mà vẫn xuất hiện các triệu chứng này thì cần đi khám sớm để phát hiện bệnh từ giai đoạn chưa nặng.
  • Mệt mỏi, chán ăn, sút cân: Nếu người bệnh có những biểu hiện rối loạn tiểu tiện, tiểu ra máu kết hợp với mệt mỏi, chán ăn, sút cân, sốt không rõ nguyên nhân thì rất có thể bệnh đã đến giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.
  • Đau bụng hoặc đau vùng chậu: Tương tự với các triệu chứng trên, đây là những dấu hiệu khi bệnh đã nặng, có thể đã di căn

Các triệu chứng trên thường dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lành tính khác, do đó bạn không nên chủ quan mà nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và được chẩn đoán chính xác nhất.

Các giai đoạn của ung thư bàng quang

Giống như những ung thư khác, ung thư bàng quang cũng được chia ra từng giai đoạn với đặc điểm khác nhau:

  • Giai đoạn 1: Ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
  • Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang.
  • Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ.
  • Giai đoạn cuối: Ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.

Ung thư bàng quang

Các giai đoạn của ung thư bàng quang

Điều trị ung thư bàng quang

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, thể trạng của người bệnh, tuổi tác… Sau đây là một số phương pháp điều trị ung thư bàng quang chính:

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến nhất. Tùy vào tình trạng tổn thương cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn giữa cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo, cắt bỏ bàng quang bán phần, cắt bỏ bàng quang triệt để hoặc cắt bỏ toàn bộ bàng quang, các hạch lân cận, một phần niệu đạo và các cơ quan lân cận có thể chứa các tế bào ung thư. Ở nam giới, các cơ quan lân cận cần cắt bỏ là tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh. Ở phụ nữ là tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo.
  • Xạ trị: Quá trình xạ trị có thể thực hiện trước khi phẫu thuật để giảm kích thước khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại.
  • Hóa trị: Hóa trị được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch, thuốc sẽ xâm nhập vào máu và có thể đến các tế bào ung thư trên toàn cơ thể. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều loại hóa chất khác nhau.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống ung thư. Loại điều trị ung thư này còn được gọi là liệu pháp sinh học hoặc trị liệu sinh học.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện