CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN – SỰ SẺ CHIA VỚI NGƯỜI BỆNH HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

  1. Bớt lo âu và có thêm hy vọng nhờ công tác xã hội

Người bệnh Nguyễn Mạnh Đức (SN 2001) quê ở xã Thượng Long – huyện Yên lập – tỉnh Phú Thọ bị u tủy sống cổ, nhập viện điều trị và phẫu thuật mổ mở tủy sống tại Khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đức là em út trong gia đình có 5 người con, mẹ mất sớm. Bản thân em bị động kinh và hở van tim bẩm sinh. Trên em còn một chị gái thứ 4 cũng bị động kinh bẩm sinh. Một mình bố em hơn 70  tuổi,  sức yếu, tần tảo đi làm thuê làm mướn nuôi Đức và 2 mẹ con chị gái (chị gái bị kẻ xấu hãm hiếp dẫn đến có thai).

Em Đức có bảo hiệm tự nguyện (hưởng 80%), nhưng chi phí điều trị tương đối tốn kém, sau khi phẫu thuật tủy sống ổn định, em còn phải điều trị bệnh tim để kéo dài cơ hội sống cho mình. Bố em xuống viện chăm sóc em nên cũng không đi làm kiếm thêm thu nhập được nữa, không có tiền để lo chị phí thuốc men và điều trị.

Ông Nguyễn Văn Xuân – Bố người bệnh Nguyễn Manh Đức chia sẻ “Khi con tôi vào viện tôi rất lo lắng đi chạy vạy khắp nơi để lo tiền cho con, số tiền vay ngân hàng để lo chạy chữa cho vợ còn chưa trả hết bây giờ con tôi lại mắc bệnh ông không biết bám víu vào đâu?

Người bệnh Nguyễn Thị Mộng, SN 1991, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng chấn thương, khó thở. Sau khi nhập viện, người bệnh được các bác sĩ chẩn đoán : đa chấn thương do TNGT: CT sọ não, CT hàm mặt, CT ngực kín, CT bụng kín do TNGT, đang mang thai 11 tuần. Chị Mộng là người dân tộc Mường, quê ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Hoàn cảnh của chị rất khó khăn, chị đã lập gia đình và có 2 người con, con trai 12 tuổi và một cháu 10 tuổi hiện đang nằm điều trị tại khoa HSTC-CĐ do tai nạn ngã cùng với mẹ. hiện tại chồng chị Mộng đang chăm cháu. Nay chẳng may lại ngã do TNGT, bảo hiểm thuộc diện dân tộc, tiền thuốc men điều trị vô cùng tốn kém và gia đình hiện khó có khả năng chi trả do 2 mẹ con cùng điều trị tích cực và tiên lượng nặng.

Chồng chị Mộng vừa lo lắng cho tình trạng của 3 mẹ con đang trong tình trạng nặng,  vừa lo lắng về kinh tế không biết lo tiền chạy chữa ở đâu tuy nhiên ngay khi nghe tin khoa báo Tổ CTXH đã xuống khoa tiếp cận ngay. Chồng chị Mộng chia sẻ: “Khi tôi đang hoàng mang và sốc khi nghe tin 3 mẹ con bị tai nạn gặp các cô CTXH xuống hỏi thăm động viên, các cô rất nhiệt tình vợ con tôi, còn được sự hỗ trợ về kinh tế. Tôi chân thành cám ơn tấm lòng của mọi người quan tâm đến vợ con tôi”.

“Cán bộ phụ trách công tác xã hội ở Bệnh viện rất chu đáo và tận tình hướng dẫn chúng tôi như gia đình thuộc hộ nghèo được hỗ trợ những gì. Hai mẹ con như có thêm một động lực để mình có thể đồng hành cùng con và chiến đấu chiến thắng bệnh tật”, chị Hạnh bộc bạch.

2 1 scaled
Hình 1: Bức thư cảm ơn của gia đình người bệnh đến các nhà hảo tâm, nhân viên Công tác xã hội cùng các y bác sĩ trong Bệnh viện

2. Nhân viên CTXH tự hào với công việc mình đã chọn

Công việc hàng ngày thăm hỏi và tìm hiểu hoàn cảnh của người bệnh để có sự hỗ trợ kịp thời, chị Thu Hà nhân viên CTXH đang phụ trách Trung tâm Thận lọc máu cho biết  luôn tìm thấy niềm vui khi được làm công việc đầy ý nghĩa.

“Khi giúp đỡ người bệnh chúng em tự cảm thấy niềm vui. Đấy là niềm đam mê và những người làm việc như chúng em là xuất phát từ cái tâm, vì người bệnh. Sau khi bệnh nhân ra viện, cảm thấy môi trường của bệnh viện rất tin tưởng. Từ đó bệnh tình được điều trị tốt hơn và khi ra viện tất cả bệnh nhân đều nở nụ cười trên môi thì đấy là niềm hạnh phúc của những người làm nghề CTXH như chúng em”, chị Thu Hà chia sẻ về công việc của mình.

Cũng như chị Nga, chị Minh phụ trách hỗ trợ người bệnh tại Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Huyết học truyền máu cũng luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn. Ngày ngày tiếp xúc với bao mảnh đời bất hạnh, cái áp lực lớn nhất của nhân viên CTXH trong bệnh viện là làm sao để cân bằng cảm xúc và làm thế thế nào để hỗ trợ được người bệnh một cách tối đa. Giúp đỡ được các bệnh nhân về mặt tinh thần để giúp họ với đi nỗi đau về bệnh tật và có thêm tinh thần lạc quan, một chút đó thôi cũng khiến cho chúng tôi hạnh phúc.

1
Hình 2: : Hình ảnh cán bộ Công tác xã hội cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ và động viên người bệnh

Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, nhân viên công tác xã hội còn giúp họ hồi phục và tái hòa nhập với cộng đồng. Chị Thủy – Phụ trách tổ CTXH, thạc sĩ tâm lý nhớ lại những trường hợp mình đã hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và người nhà người bệnh khi vào viện gặp khó khăn về tâm lý. Chị Thủy chia sẻ câu chuyện của 1 người nhà bệnh nhân đã từng nằm viện gặp vấn đề về tâm lý.

Đó là một người mẹ đơn thân có 2 người con trai, cậu con trai út mới 14 tuổi bị ốm sốt nhiều ngày không đỡ,  nhập viện điều trị thì phát hiện ra cháu bị HIV mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt người mẹ trẻ đơn thân. Chị tâm sự: “ Bây giờ nếu cháu có mệnh hệ gì tôi chỉ muốn chết, tôi không biết phải làm gì lúc này,…” và khóc rất nhiều. Bác sĩ có tư vấn chị làm xét nghiệm để kiểm tra xem mẹ có nhiễm HIV không nhưng chị từ chối làm xét nghiệm vì với chị bây giờ sức khỏe của chị không còn quan trọng nữa. Sau khi tiếp cận động viên hỗ trợ tâm lý cho chị chị đã ổn định về tâm lý và vượt qua đối diện với tình trạng mình đang gặp phải. Chị chấp nhận làm xét nghiệm và điều trị lấy thuốc hàng tháng, cố gắng ổn định tinh thần, sức khỏe để làm chỗ dựa cho con. Sau khi ra viện chị vẫn liên hệ với chị Thủy để nhờ hỗ trợ và tư vấn. “Họ vẫn tìm đến mình chứng tỏ là mình đã tạo được uy tín, lòng tin với người bệnh. Họ coi mình như một người bạn, người thân mà họ vẫn có thể chia sẻ mọi thứ”. Chị Thủy chia sẻ, đối với nhân viên CTXH, mỗi trường hợp tư vấn, trợ giúp thành công chính là những phần thưởng vô giá, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để chị và các đồng nghiệp của mình nỗ lực hơn nữa trong công việc.

3.  Công tác xã hội – nghề ngày càng phát triển

Như chúng ta đã biết xã hội càng phát triển thì nghề công tác xã hội cũng sẽ càng phát triển hơn. Bởi trong một xã hội Internet bùng nổ, con người càng bị stress hơn, càng cần có nhu cầu được hỗ trợ hơn về tâm lý, về tinh thần. Với bệnh nhân, khi ra viện làm sao phải được mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần. Nghề công tác xã hội sẽ ngày càng phát triển và những đối tượng yếu thế sẽ ngày càng được hỗ trợ tốt hơn và cũng được phục vụ tốt hơn

Để trở thành nhân viên CTXH, bạn cần có 3 tố chất. Thứ nhất là kiến thức, nghiệp vụ về công tác xã hội. Thứ hai là kiến thức xã hội nói chung. Và thứ ba, quan trọng nhất, đó chính là cái “tâm”. Nếu không có cái “tâm”, gặp một trường hợp khó khăn sẽ dễ bỏ qua, không lao tâm khổ tứ, không dành thời gian công sức. Bên cạnh đó, khi làm nghề công tác xã hội có những vấn đề như hỗ trợ về kinh tế, hỗ trợ về vật chất, nếu như không có cái “tâm”, người ta dễ đặt lợi ích cá nhân hoặc là lợi ích của một nhóm lên trước, lợi ích của người được thụ hưởng xuống sau.

Công tác xã hội trong bệnh viện khi làm tốt sẽ là niềm an ủi cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào tình người, vào tính nhân văn và tốt đẹp của xã hội.

“CTXH chính là cầu nối giữa bệnh nhân với bác sĩ. Có những tâm tư nguyện vọng thầm kín của bệnh nhân và những điều mà người ta không thể nói với bác sĩ vì bác sĩ thì luôn luôn trong trạng thái tất bật. Thông qua CTXH, những tiếng nói của người bệnh đến với chúng tôi một cách rõ ràng nhất và đúng vào những thời điểm thích hợp nhất và từ đấy chúng tôi giải quyết được những khúc mắc của người bệnh, phục vụ người bệnh sẽ tốt hơn rất nhiều. Thực sự chúng tôi phải gửi lời cảm ơn đến các bạn công tác xã hội.” BS Phạm Tiến Chung –  Trưởng đơn vị Xạ Trị – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

Mọi đóng góp hỗ trợ xin được liên hệ với Tổ Công tác xã hội – Phòng Marketing và truyền thông Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. SĐT liên hệ Tổng đài CSKH 24/24: 1800.888.989

 

—————–

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật